Kinh Nghiệm Và Kỹ Thuật Làm Bông Cho Cây Hồ Tiêu

Giới thiệu kỹ thuật làm bông cho cây hồ tiêu. Cái khó chính là làm cho cây tiêu ra hoa tập trung, năng suất cao ổn định.


Để cho cây hồ tiêu cho năng suất cao ổn định yêu cầu cây hồ tiêu phải mạnh khỏe ít bệnh tật. Hạn chế hồ tiêu suy bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý trong cả năm. Cây có khỏe mạnh thì mới cho năng suất cao ổn định được.


Cây hồ tiêu có một đặc điểm khá thú vị là mỗi mắt tay của nó đều có thể cho bông nếu ta biết đánh thức nó dậy. Những mắt trên tay hồ tiêu luôn chứa 1 mầm. Nó như nàng công chúa ngủ trong rừng đang đợi chờ hoàng tử đến thức dậy. Việc phân hóa mầm hoa hợp lý cây sẽ luôn cho năng suất cao. Để làm điều đó cũng không phải là vấn đề quá khó khăn.


Để hồ tiêu năm nào cũng được mùa. Bà con cần phải tìm hiểu một chút kiến thức về sinh lý thực vật. Khi đã nắm bắt được các giai đoạn sinh trưởng của cây và thổ nhưỡng, khí hậu của vùng mình thì sẽ dễ dàng trong việc chăm sóc tiêu hơn. Điều này đòi hỏi phải có một chút kinh nghiệm, hiểu biết nhất định nào đó. Bao gồm các yếu tố như khí hậu, thời tiết, chất đất, mưa, nắng,…


CÁC VIỆC CẦN LÀM KHI HÃM NƯỚC

Sau khi thu hoạch bà con nên rửa cây bằng sản phẩm thuốc gốc đồng rửa vườn như Booocđo, đồng đỏ, mancozed,… để tiêu diệt mầm bệnh, diệt nấm có hại, rong rêu nấm hồng trên lá để sang vụ mới xử lý ra hoa được hiệu quả nhất.

Làm sạch chồi, cắt bỏ tiêu lươn và những tay nằm sát mặt đất.

Gom những lá già lá bệnh tật rụng đem đi đốt.
Mục đích của những việc làm trên là ngăn ngừa bệnh tật và tạo điều kiện cho hồ tiêu phân hóa mầm hoa.

Nhưng điều cốt lõi của việc phân hóa mầm hoa chính là hãm nước.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, khi cây gặp điều kiện khô hạn trong vòng 15 ngày thì Acid Absisic tăng lên, Acid Cytokinin và Acid Giberilic giảm xuống là điều kiện tốt kích thích sự phân hóa mầm hoa để phát triển hình thành hoa. Làm chuyển quá trình sinh trưởng dinh dưỡng sang quá trình sinh thực (ra hoa kết trái). Trong thời gian này chúng ta hãm nước không tưới. Nhưng quá trình hãm nước yêu cầu phải dài hơn, vì chắc chắn ẩm độ trong đất vẫn còn khi ta chăm sóc, tưới cây chống suy khi thu hoạch, cây vẫn chưa đủ khô để phân hóa mầm hoa. Tôi thường hãm nước từ 30 đến 45 ngày tùy vào tiêu sung hay không. Khi chuyển từ sinh trưởng sang sinh thực yêu cầu cây phải sung thì mới cho năng suất cao. Nếu hồ tiêu sung mà không phân hóa mầm hoa được thì việc chuyển hóa sẽ không thành công, cây có thể cho ra bông 2 đợt. Như tình trạng năm nay nhiều bà con đang gặp phải, cây chỉ lá và lá là điều dể hiểu. Sau đó nó sẽ ra đợt bông thứ 2 lác đác rất khó chịu.


Cho nên sau khi thu hoạch bạn cần phân ra làm 3 loại tiêu: tiêu sung, tiêu bình thường không sung không suy và tiêu suy.

Đối với hồ tiêu suy, thường là những giống chín sớm như Ấn Độ, bà con chỉ cần tưới theo cho tới đợt thúc phân, thì thúc cùng lúc với tiêu đã hãm nước cây sẽ ra bông. Không cần phải lo lắng. Khi cây suy thì Acid Absisic đã có nhiều trong cây và cây lúc nào cũng sẵn sàng cho ra bông. Nhưng nếu ta không cân đối phân bón thì sang năm cây lại bị mất mùa. Vì cây lại phải tập trung cho quá trình tạo dinh dưỡng.

Đối với hồ tiêu sung ta phải chú ý từ khi thu hoạch. Nhất là tưới nước khi thu hoạch để chống suy cây cần phải có một kinh nghiệm nhất định nào đó. Phải biết cách phân biệt cây tiêu sung hay ít sung để điều chỉnh lượng nước tưới cho cây hợp lý trong quá trình thu hoạch. Với hồ tiêu sung và hồ tiêu bình thường thì việc hãm nước 30-45 ngày là yêu cầu rất quan trọng. Mặc dù hồ tiêu rất tốt, sung nhưng nếu không hãm nước tạo điều kiện phân hóa mầm hoa thì cây sẽ rất ít bông.


Việc đốt lá già, lá bệnh tật cũng góp phần không nhỏ trong việc tạo điều kiện để phân hóa mầm hoa. Lượng tro mà ta đốt trả lại cho đất chính là Kali giúp cây trồng cứng cáp hơn, tăng khả năng chống chịu với điều kiện ngày càng bất lợi của môi trường.


Sau khi hãm nước xong nên tưới lại ướt đẫm như mưa 2 đợt trong tuần cho cây hồi phục. Không chỉ tưới trong gốc mà phải tưới cả ngoài tán cây, vì rễ của hồ tiêu kiếm ăn rất xa. Xịt phân bón lá kích thích ra hoa và lá non tập trung trước rồi mới bón phân. Việc làm này giúp cho cây hồi phục sức khỏe sau một thời gian ta ép cây. Nếu bón phân ngay lần tưới đầu tiên thì cây không hấp thu được, có thể còn làm tổn thương bộ rễ và lãng phí phân bón. Phân bón lá giúp cây trồng hấp thu dễ dàng hơn. Trong công nghiệp gọi là năng suất làm việc còn trong nông nghiệp gọi là hiệu suất hấp thu dinh dưỡng của cây trồng. Bà con ta thường ít khi lưu tâm đến vấn đề này.


Vấn đề lớn trong quá trình phân hóa mầm hoa mà bà con hay gặp, đó chính là gặp mưa sớm. Việc hãm nước trở nên rất khó khăn trong điều kiện như vậy, thậm chí có thể nói là không thể. Nhưng ta vẫn khắc phục được bằng cách xịt thuốc phân hóa mầm hoa, hoặc có thể thay thế bằng thuốc gốc đồng, lúc này lá cây sẽ rụng đi khoảng 15-30 %. Sau khoảng 1-2 tuần ta xịt lại phân bón lá kích thích ra hoa và lá non tập trung y như là đã hãm nước. Và thực hiện bước kế tiếp y như đã phân hóa mầm hoa xong vậy. Bà con lưu ý chỉ nên áp dụng cho hồ tiêu sung vì tác động này là khá mạnh. Cách làm này có thể cho hồ tiêu ra bông như ý. Nhưng dù gì thì thời tiết cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc làm bông. Nếu chúng ta biết cách khắc phục thời tiết thì cũng không còn là vấn đề lớn. Nên xem dự báo thời tiết để ta còn có thể tính toán cho cây ra bông hợp lý.
Việc phân hóa mầm hoa chỉ là một bắt đầu nhỏ cho hành trình dài trong kỹ thuật làm bông của cây hồ tiêu.

BÓN PHÂN TRONG QUÁ TRÌNH LÀM BÔNG


Bón phân cân đối đúng liều lượng để cây cho năng suất cao là cả một chủ đề.
Nước là cốt lõi trong việc phân hóa mầm hoa thì phân chính là chìa khóa để đánh thức những mầm hoa đang ngủ yên đó. Trong quá trình tiêu làm bông nếu không cung cấp đủ chất dinh dưỡng thì cây sẽ tiếp tục ra lá. Vào giai đoạn này cây cần lượng phân rất lớn, bao gồm tất cả các yếu tố đa, trung, vi lượng và xác bã hữu cơ.


Bà con có thói quen là tưới và xịt phân bón lá, bón phân (phân lân) luôn sau khi hãm nước. Cây nhú mắt cua ra lá non bà con bỏ phân NPK 16-16-8+TE hay 20_20_15+TE một lần với hàm lượng rất lớn, sau đó xịt phân bón lá thế là xong, gần như hầu hết bà con đều làm vậy. Lúc này bộ rễ chưa hấp thu được nên rất lãng phí. Trước đây tôi cũng hay làm vậy.Nhưng hiệu quả hấp thu phân bón của cây không cao.
Chúng tôi xin chia sẻ với bà con kỹ thuật bón phân như sau:


Chia phân ra nhiều lần mà bón. Tuy rất cực, nhưng bà con phải chịu khó trong giai đoạn này. Sai một ly đi một dặm là đây. Trên thị trường có rất nhiều chủng loại phân bón. Nên chọn loại có thương hiệu uy tín được nhiều người sử dụng thấy có hiệu quả.


Sau khi tưới ướt dẫm như mưa cho cây hồi phục sức khỏe. Bên trên tán lá tôi xịt phân bón lá thì bên dưới 1 tuần sau đó tôi sẽ dùng phân hữu cơ (dạng phân nước đổ gốc) cho cây hồi phục rễ có kết hợp thuốc trị tuyến trùng, rệp sáp.


Tuần tiếp theo tôi xịt phân bón lá có kết hợp thuốc ngăn ngừa rầy nâu, bọ trĩ, bọ cánh cứng cắn chích hút hoa và lá non. Các chế phẩm sinh học anh tieuphong giới thiệu rất hiệu quả. Bà con cũng cần lưu ý cách kết hợp. Có nhiều chế phẩm đã pha sẵn cho ta, mà ta không biết còn pha thêm không đúng cách, sẽ làm cây bị tổn thương, rụng lá, có khi chết luôn cây. Rất nguy hiểm.


Tuần tiếp theo nữa, khi cây đã nhú mắt cua và lá non tôi dùng phân hữu cơ vi sinh và PK+TE(16_16_8+TE hay 20_20_15+TE) chuyên dùng cho hồ tiêu. Lần này là lần làm bông chính, cây cần rất nhiều dinh dưỡng bao gồm các yếu tố đa, trung, vi lượng. Nhớ bón ngoài tán lá cây tránh không được phạm rễ. Nên bón vào sáng sớm hoặc chiều mát thì hiệu quả hấp thu sẽ cao hơn. Chỉ cần dùng tay rải đều một lớp mỏng vừa phải bên ngoài tán lá, cây to tán to thì bón nhiều, cây nhỏ tán nhỏ bón ít. Thường thì bón cách gốc từ 40-60cm tùy cây. Khá đơn giản phải không nào. Đừng quá quan tâm lượng phân bón mấy lạng mấy lạng như bao bì thường ghi. Và cũng không e ngại chuyện bón nhiều lần tốn công.
Cuối cùng sau đó 2 tuần bạn bỏ phân chuồng, phân hữu cơ hoai mục có ủ chung với nấm Trichoderma, bổ sung lượng xác bã hữu cơ cho cây trồng chống suy cây. Lần bón phân này rất quan trọng, bảo đảm dinh dưỡng cân đối, chống suy cây trong năm cho hồ tiêu. Lần này bà con có thể bỏ thêm vôi cho đất. Ngoài ra bà con mua phân hữu cơ vi sinh khoáng đậm đặc bỏ cho hồ tiêu. Nếu tìm không thấy thì mình có thể mua khoáng bỏ cho hồ tiêu và tự ủ phân vi sinh như anh Phan Phát đã hướng dẫn.
Bà con lưu ý một vài điểm nhỏ nhưng rất quan trọng trong kỹ thuật làm bông như sau:


Khi bông đang nở, tuyệt đối không được xịt phân bón lá. Như vậy sẽ làm cho bông trổ bị thưa, bồ cào. Mặc dù có nhiều sản phẩm phân bón lá có ghi rõ là có thể xịt lúc trổ bông. Bà con làm như phần trên tôi hướng dẫn thì cây đã đầy đủ bao dinh dưỡng và cả yếu tố phòng dịch bệnh sâu hại tấn công rồi.
Trái với suy nghĩ của nhiều người là thời tiết khô ráo nắng nóng thì cây sẽ đậu bông tốt hơn. Đó là suy nghĩ sai lầm. Khi tiêu đang trổ bông cần làm cho độ ẩm không khí của vườn tăng lên bằng cách tưới gốc hoặc có thể dùng máy xịt vào không khí xung quanh cây tiêu. Tuyệt đối không xịt lên bông nhé. Vì đa phần hoa hồ tiêu là hoa lưỡng tính, chỉ có một số ít là hoa đơn tính. Hoa đơn tính nó sẽ tự rụng. Những giống tiêu có hoa đơn tính nhiều là do di truyền từ tổ tiên và một số cây tiêu hạt lại tổ… Khả năng đậu hạt của loại này rất thấp. Khi độ ẩm trong không khí tăng cao thì các đầu nhụy của hoa lưỡng tính cương lên dễ bám dính các hạt phấn, làm tăng khả năng thụ phấn. Vì vậy khi tiêu đang trổ bông 3 ngày bà con nên xịt hoặc tưới nước một lần. Thời gian trổ bông của hồ tiêu kéo dài từ 10-20 ngày. Đó chính là lý do tại sao những cây hồ tiêu trổ bông muộn như tiêu Sẻ, Sẻ Mỡ hay tiêu trổ đợt 2 thì hạt sẽ to và đều hạt hơn. Những giống trổ sớm như Ấn Độ thì hay bị bồ cào. Bà con nào trồng tiêu Ấn Độ đọc được những chia sẻ này sẽ biết cách làm cho tiêu năng suất và ít bị bồ cào hơn. Với giống tiêu Ấn Độ bà con phải nâng nhu cầu xác bả hữu cơ tăng lên 150% so với bình thường thì năng suất sẽ rất cao và ổn định mà không phải quan tâm nhiều tới việc phân hóa mầm hoa, vì nó rất nhiều hoa. Làm bông là cuộc chiến trường kỳ cho tới khi cây vào hạt. Nếu thiếu dinh dưỡng thì cây sẽ bị rụng trái non, thối trái non.


Xịt bón lá theo từng thời kỳ phát triển của hồ tiêu như sau: Khi đang nuôi hoa và lá non, xịt phân bón lá có hàm lượng N cao sau đó giảm dần. Khi vào hạt, nên kiếm loại phân bón lá nào có hàm lượng N ít, chủ yếu là P và K +TE để tránh không cho tiêu ra lá non. Đặc tính của cây hồ tiêu là khi đã ra lá non thì dù ít hay nhiều sẽ ra hoa. Mà những hoa ra trái vụ đó sẽ làm giảm năng suất cho vụ tiếp theo, thậm chí sẽ có một mùa mất trắng.


Khi chuẩn bị thu hoạch, nên bón phân Amino đổ gốc để to hạt chắc trái chống suy cây. Vì giai đoạn này bộ rễ đã hoạt động yếu, chỉ có phân dạng Amino thì cây trồng mới dễ hấp thu. Cây không suy thì mới cho năng suất cao và ổn định được. Rất quan trọng đấy.
Sau đó bà con bắt đầu lại chu trình chăm sóc. Năm trúng năm thất chỉ là cách nói của những ai chưa hiểu rõ đặc tính cây hồ tiêu thôi.


Trong quá trình chăm sóc, bà con hãy quan sát lá tiêu. Cây nhiễm bệnh gì, hay cần nhu cầu dinh dưỡng gì thì đều biểu hiện qua lá. Thiếu phân thì lá sẽ nhỏ lại. Thiếu vi lượng thì lá non nhỏ lại có màu trắng. Hay những biểu hiện bệnh thán thư, địa y, chết nhanh, chết chậm… thì lá cây sẽ biểu hiện đầu tiên. Bà con có kinh nghiệm thì sẽ kịp thời phòng bệnh hay bổ sung nhu cầu dinh dưỡng cho cây một cách hợp lý nhất.
Với những điều tâm huyết chia sẻ trên đây, mong là bà con sẽ luôn được mùa. Tất cả chúng ta sẽ thành công với cây hồ tiêu.

Chúc bà con có một vụ mùa bội thu!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *