Nuôi ếch là mô hình mang lại lợi nhuận cao cho bà con nông dân, ếch rất dễ nuôi hầu hết có thể nuôi ở mọi nơi trên đất nước ta. Có nhiều loại mô hình nuôi ếch như, nuôi ếch trong bể xi măng, nuôi ếch trong ao đất, nuôi ếch trong lồng. Bài viết dưới đây giúp người chăn nuôi được tiếp cận với những kĩ thuật nuôi ếch bài bản hơn, để đạt được hiệu quả kinh tế tốt nhất, đem lại nguồn lợi nhuận cao.
1. Kỹ thuật sản xuất ếch giống
a. Nuôi vỗ ếch bố mẹ
* Nơi nuôi vỗ:
– Chọn ao có độ sâu 40 – 50 cm, nguồn nước sạch và hang trú ẩn, bờ có bóng mát. Thả bèo tây hoặc rau muống chiếm 1/2 diện tích mặt ao.
– Vệ sinh, tẩy trùng ao trước khi đưa vào nuôi vỗ.
* Lựa chọn ếch bố mẹ:
Nên chọn ếch 2 – 3 tuổi từ ao ếch thịt để thu được nhiều trứng, trứng to, nở con mập mạp.
* Mật độ nuôi vỗ:
– Nếu có điều kiện nên nuôi riêng ếch đực và cái khoảng 1 tháng trước khi cho đẻ.
– Ếch đực 3 – 5 con/m2; ếch cái 3 – 4 con/m2;
– Trong thời gian cho đẻ, mật độ: 1 – 5 cặp/m2.
* Chế độ nuôi vỗ:
Thức ăn công nghiệp có độ đạm 25% hoặc thức ăn tự chế (40% cá xay + 60% bột ngũ cốc). Lượng thức ăn cho ăn bằng 3 – 4% trọng lượng đàn ếch.
b. Cho ếch đẻ
Cho ếch đẻ tự nhiên trong ao. Đầu tháng 3 âm lịch, ếch cái phát dục có bụng phình to và mềm. 3 – 4 ngày sau khi có tiếng kêu thưa thớt của ếch đực, ếch cái sẵn sàng đẻ trứng. Nếu nuôi riêng đực – cái thì tối hôm đó, phải đưa ếch đực vào thả chung với ếch cái.
Ếch đẻ ban đêm, sáng sớm đi vớt trứng ngay bằng cách dùng đĩa hoặc chậu vớt nguyên cả màng trứng rồi đổ nhẹ vào chậu to, xô có chứa sẵn nước sạch. Tránh làm vỡ màng nhầy. Không để các mảng trứng chồng lên nhau dày đặc và vón cục, trứng sẽ ung.
c. Kỹ thuật ấp trứng và nuôi nòng nọc
* Ương trong ao: Chỉ vớt ếch bố mẹ sang ao khác, để nguyên các ổ trứng, ương cho nở tự nhiên. Sau khoảng 24 giờ, trứng nở thành nòng nọc. Nòng nọc ăn phù du động vật trong ao; sau khi nở 3 – 4 ngày, cho nòng nọc ăn thêm 200 – 300g bột mỳ, bột gạo/1 vạn con/ngày hoặc dùng thức ăn viên độ đạm 40%. Mật độ ương khoảng 2.000 trứng/m2; tỷ lệ nở trung bình 50%; sau 15 ngày có thể san thưa nòng nọc, đem nuôi ở ao, bể khác.
* Ương trong bể: Dùng bể kích cỡ 1 m x 0,8 m x 0,3 m. Mật độ 1 – 2 vạn trứng/m2.
Ở nhiệt độ 22 – 26°C, trứng sẽ nở ra nòng nọc chỉ sau 22 giờ. Khi noãn hoàng tiêu hết, nòng nọc mới tự đi kiếm ăn. Mật độ ương 15.000 – 20.000 trứng/m2.
d. Kỹ thuật nuôi nòng nọc lên ếch con
* Cho nòng nọc ăn: Sau khi nở 3 – 4 ngày, vớt phù du động vật từ ao về cho ăn hoặc cho ăn bằng lòng đỏ trứng (4 quả/1 vạn nòng nọc/2 bữa sáng, chiều) bóp nhuyễn, rắc đều quanh bể. Trung bình từ nòng nọc lên ếch giống đạt tỷ lệ sống 50%.
* San thưa: Sau 8 ngày nuôi ở bể, san thưa với mật độ 500 – 1.000 con/m2.
* Thức ăn bổ sung gồm: 20 – 30% đạm động vật trộn với 70 – 80% bột ngũ cốc. Khẩu phần ăn/ngày: 0,5 – 1 kg/1 vạn con. Tuỳ nhiệt độ, nòng nọc biến thái thành ếch con trong khoảng 21 – 25 ngày.
đ. Kỹ thuật nuôi ếch con lên ếch giống
* Từ ngày 8 – 14: Mật độ 2.000 – 3.000 con/m2. Thức ăn: 30% tôm, tép, cá xay nhỏ trộn với 70% mì sợi, bún khô ngâm nước, cắt đoạn hoặc cơm nguội; ngày cho ăn 2 lần; khẩu phần ăn trong ngày bằng 8 – 10% trọng lượng ếch (khoảng 1 kg thức ăn/1.000 con/ngày);
* Từ ngày 15 – 21: Mật độ 500 – 1.000 con/m2. Điều chỉnh thức ăn cho phù hợp.
* Từ ngày 22 – 30: Điều chỉnh thức ăn. Khi ếch rụng đuôi, cho ếch ăn thức ăn viên 40% đạm, lượng thức ăn 7- 10% trọng lượng thân ếch.
2. Kỹ thuật nuôi ếch thịt
a. Nuôi ếch trong ao
* Chuẩn bị ao
Mức nước 0,20 – 1,0 m. Ao có bố trí hệ thống sàn ăn, bè nổi cho ếch lên ăn mồi, nghỉ ngơi. Có hệ thống kênh cấp thoát nước, hệ thống lưới che chắn, bảo vệ ếch.
* Giống và mùa vụ
– Mùa vụ thả từ tháng 4 đến tháng 9.
– Trước khi nuôi nên tắm ếch giống trong nước muối 3%.
– Chọn ếch giống 45 ngày tuổi, cỡ đồng đều (3 – 6 cm/con), khoẻ mạnh, màu sắc đậm, không nhiễm bệnh hay bị dị tật, quen ăn thức ăn chế biến.
– Mật độ nuôi 40 – 60 con/m2hoặc 80 – 100 con/m2(tuỳ vào trình độ nuôi).
* Thức ăn và cho ăn
– Chủ yếu là thức ăn công nghiệp hoặc chế biến sẵn (độ đạm > 30%). Khầu phần ăn trong ngày bằng 8 – 10% trọng lượng ếch trong ao.
– Cho ăn: Tháng đầu cho ăn 3 – 4 lần/ngày, khi lớn cho ăn 2 lần/ngày (sáng và chiều).
Những vùng có sẵn tôm, cá, cua đồng, giun đất, trứng vịt loại thì có thể dùng thức ăn tự chế để hạ giá thành. Trộn những loại thức ăn thô trên với cám gạo, cho vào máy nghiền thức ăn, phơi khô trong bóng râm (không phơi trực tiếp dưới ánh sáng nắng mặt trời).
Nếu dùng thức ăn viên, rải trực tiếp xuống ao. Nếu dùng thúc ăn chế biến, để lên sàn ăn.
Nếu dùng thức ăn tươi sống, phải rửa sạch hoặc khử trùng trước khi cho ăn. Không thay đổi thức ăn hàng ngày đột ngột, vì ếch sẽ không ăn cho dù nó đang đói.
* Chăm sóc
– Thay nước: tháng đầu: 2 – 3 ngày thay nước 1 lần, mực nước luôn duy trì 20 – 30 cm. Từ tháng thứ 2 trở đi: thay nước hàng ngày, mực nước có thể giảm xuống còn 10 – 15 cm. Nên thay nước vào buổi sáng. Nếu dùng nước giếng khoan, nên trữ lại ít nhất 1 ngày mới sử dụng.
– Chăm sóc, quản lý ao: Thường xuyên bổ sung vitamin, thuốc bổ, men tiêu hoá vào khẩu phần ăn để tăng sức đề kháng và phòng bệnh cho ếch.
Mỗi tuần cho ếch tắm bằng thuốc sát trùng (thuốc tím, lodine)/lần.
Định kỳ 2 tuần cân ếch để có cơ sở điều chỉnh chế độ cho ăn và chăm sóc. Đồng thời phân loại ếch theo trọng lượng để tách nuôi riêng, tránh trường hợp cắn hoặc ăn thịt lẫn nhau.
* Thu hoạch
Ếch đạt 200g/con sau 3 – 3,5 tháng nuôi. Có thể thu toàn bộ.
b. Nuôi ếch thịt trong bể
– Chuẩn bị bể xi măng: Bể phải đảm bảo độ cao để ếch không nhảy được ra ngoài và tránh kẻ thù xâm nhập, xung quanh thành bể phải giăng lưới. Diện tích bể khoảng 10m2, dưới đáy phải có ống thoát nước để tiện cho việc thay nước. Xây gờ 20 cm quanh phía trong bể, cao hơn mặt nước từ 5 – 10 cm để lấy nơi cho ếch nằm trên cạn.
* Giống và mùa vụ
Giống như nuôi trong ao, chỉ khác mật độ 100 con/m2, mực nước 7 – 10 cm (ngập 2/3 thân ếch).
* Thức ăn và cho ăn
Giống như khi tiến hành nuôi trong ao. Chỉ khác khẩu phần ăn trong ngày ở giai đoạn mới thả giống bằng 5 – 7% trọng lượng ếch; tháng tiếp theo là 2 – 3%.
* Chăm sóc
Ếch là loại động vật sống lưỡng cư, chúng thay da hàng ngày nên dễ làm cho nước trong bể nhanh bị bẩn. Vì vậy nên thay nước thường xuyên, 2 ngày/ lần trước khi ăn.
Nhằm tránh tình trạng ếch phân đàn nên định kỳ lọc và phân cỡ để tránh hiện tượng cắn lẫn nhau. Cứ 3 ngày tiến hành phân đàn 1 lần. Theo dõi khả năng ăn của ếch để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp.
Định kỳ 15 ngày dùng thuốc tím 3 g/m3xử lý bể nuôi, ngâm ếch 5 – 10 phút. Phòng ngừa địch hại như chuột, kiến,…
Sau khi nuôi 3 – 4 tháng, ếch đạt trọng lượng 150 – 300 g/con có thể tiến hành thu hoạch.
3. Thu hoạch và vận chuyển
a. Thu hoạch
– Thu nòng nọc bằng lưới cá hương;
– Thu ếch con bằng lưới nilông mắt nhỏ;
– Thu ếch thịt bằng lưới then 2 hoặc 3.
Thời gian thu vào sáng sớm hay chiều mát. Trước khi thu hoạch, ngừng cho ăn để ếch bài tiết hết phân, gớm ếch lại với mật độ dày để quen dần trước khi vận chuyển.
Dụng cụ thu ếch phải trơn, nhẵn, bắt nhẹ nhàng, tránh xây xát.
b. Vận chuyển
– Chọn ngày trời mát, nhiệt độ không khí dưới 30°C;
– Nòng nọc vận chuyển bằng thùng, xô, chậu có nước sạch, mật độ 80 – 100 con/lít; bằng túi PE có bơm ôxy: 600 – 800 con/lít;
– Ếch con vận chuyển báng sọt, rổ tre, lồng (có lót nilông) hoặc thùng, chậu, túi vải trong có 1 ít rong, bèo;
– Ếch thịt vận chuyển dụng cụ lớn hơn, thiết kế nhiều tầng, không chồng đè lên nhau, thoáng và giữ được độ ẩm bão hoà.
Chúc bà con thành công!