Cây vải sau khi thu hoạch quả xong, cành lá thường lởm chởm. Bà con cần dùng kéo cắt cành hoặc dao phát để tỉa những cành tăm, cành vượt tán, cành bị ớm.
Hiện nay, một số địa phương trong tỉnh đã thu hoạch xong trà vải sớm. Một số nơi bắt đầu thu hoạch vải thiều. Để chăm sóc cây vải đúng cách giúp cây phục hồi nhanh, kịp thời tích đủ dinh dưỡng, phát triển tốt cho vụ sau, người trồng vải có thể tìm hiểu trước các bước sau đây:
Bước 1: Tỉa cành, tạo tán
Cây vải sau khi thu hoạch quả xong, cành lá thường lởm chởm. Bà con cần dùng kéo cắt cành hoặc dao phát để tỉa những cành tăm, cành vượt tán, cành bị ớm (không có điều kiện cho quả). Tùy từng độ cao của cây vải có thể hạ thấp những cành trên ngọn xuống để tiện cho quá trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch quả sau này. Biện pháp tỉa cành cần thực hiện ngay sau khi thu hoạch quả để tạo tán cho cây theo hình mâm xôi hoặc hình chiếc bánh dầy, nhằm chuẩn bị đón đợt lộc đầu tiên. Cây vải sau khi được tỉa xong phải bảo đảm độ thoáng giữa các cành, nhằm hạn chế sâu bệnh phát triển.
Bước 2: Vệ sinh vườn
Cùng với biện pháp tỉa cành, cần dọn rác dưới gốc vải. Dùng chổi hoặc cào để dọn sạch những cành, lá vải rụng dưới gốc, thu gom vào góc vườn rồi đốt đi nhằm hạn chế sâu bệnh phát triển. Người trồng cần tạo lại các rãnh thoát nước trong vườn vải, bảo đảm độ dốc.
Bước 3: Bón phân cho cây vải
Cây vải đã mất đi một lượng dinh dưỡng khá cao khi tập trung nuôi quả. Sau khi tỉa cành, tạo tán xong, phải bón phân cho cây để bù đắp lượng dinh dưỡng đó, bảo đảm cây vải có điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt nhất (phát sinh được ba đợt lộc tính từ khi thu hoạch quả đến lúc ra hoa). Để bón phân cho cây vải, bà con tạo rãnh vùng quanh tán cây. Rãnh rộng từ 20 – 30 cm, sâu khoảng 15 cm. Sau đó rắc phân vào và lấp rãnh lại. Bà con nên bón các loại phân NPK có hàm lượng đạm cao hoặc phân đơn đạm – lân – kali (hàm lượng phân đạm bón cho cây ở thời kỳ này bằng 50% tổng lượng đạm bón trong suốt quá trình chăm sóc, tương tự lượng kali bằng 13% và phân lân bằng 20%). Tùy từng độ tuổi của cây vải và năng suất quả vừa thu hoạch để quyết định lượng phân bón hợp lý. Ngoài ra, có thể sử dụng các loại phân chuồng đã qua xử lý bằng chế phẩm sinh học (ủ mục) để bón cho cây vải, giúp đất tơi xốp và cây phát triển.
Bước 4: Phòng trừ sâu bệnh
Cây vải sau khi đã được tỉa cành, tạo tán và bón phân xong, chờ một khoảng thời gian ngắn sau sẽ có đợt lộc đầu tiên. Trong khoảng thời gian cây phát sinh lộc, người trồng cần thường xuyên theo dõi vườn vải nhằm sớm phát hiện các sâu bệnh gây hại. Tùy từng đối tượng sâu bệnh gây hại, có thể sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật khác nhau để phòng trừ hiệu quả.
Chúc bà con có một vụ mùa bội thu!