Cây sen là loài cây được cả hương và sắc. Từ bao đời nay mà loài cây này đã đi vào đời sống và văn hóa của Việt Nam. Chính từ những điều gần gũi và thiêng liêng ấy mà những người nông dân hiện đại đang viết nên một cậu chuyện mới cho cây sen. Để cây sen mang hơi thở của thời đại.
Ở nước ta, cây sen được trồng phổ biến từ Bắc vào Nam. Mỗi vùng trồng sen đều chọn một vài thế mạnh của cây sen để cung ứng ra thị trường. Có nhiều nơi hình thành làng dệt lụa từ tơ sen. Hoặc chuyên lấy gương sen, tâm sen, lá sen, củ sen, ngó sen, … Với nhiều mục đích khác nhau người nông dân đã vẽ nên biết bao bước tranh về kỹ thuật canh tác cây sen. Cùng với nhiều chia sẻ của các hộ nông dân sản xuất giỏi, cẩm nang cây trồng thực hiện bài viết về mô hình chuyển đổi trồng sen trên đất lúa mang lại lợi nhuận cao, để giúp bạn đọc có thêm thông tin cơ bản góp phần vào chuyển đổi cơ cấu theo hướng bền vững, thời kỳ mới như hiện nay.
Chuyển đổi mô hình trồng sen trên đất lúa – Nông dân thu lợi nhuận khủng
Kỹ thuật trồng sen trên đất lúa cần đảm bảo thực hiện đúng tiêu chuẩn kỹ thuật ở mỗi khâu, cây sen sẽ cho năng suất cao.
Chọn vùng đất lúa chuyển đổi để trồng sen
1. Chọn vùng đất lúa chuyển đổi để trồng sen
Tùy vào đặc tính tập quán canh tác của mỗi địa phương để lựa chọn chân đất lúa chuyển đổi. Để cây sen sinh trưởng phát triển tốt cho năng suất cao thì vùng trồng sen nên đảm bảo lượng nước lưu trên ruộng và chủ động hệ thống nước vào cho vùng trồng sen.
Khu vực các tỉnh Miền Bắc nên lựa chọn các chân đất lúa cần đảm bảo nước tưới ngập từ 25 cm trở lên. Độ sâu lớp bùn canh tác không quá 50 cm để thuận tiện cho việc thu hoạch sản phẩm từ cây sen.
Các tỉnh Miền Trung, Miền Nam có thể chuyển đổi chân đất lúa sang trồng sen ở khu vực có nguồn nước duy trì ổn định. Đất có độ PH 5,8 trở lên là tốt nhất cho cây sen phát triển.
2. Trồng sen vào mùa nào trong năm là tốt nhất
Cây sen có khả năng sinh trưởng quanh năm đối với các vùng có nhiệt độ trên 20oC. Nhiệt độ thấp cây sinh trưởng phát triển kém.
Miền Bắc có mùa đông nhiệt độ thấp gần như cây ít phát triển đến mùa xuân cây bắt đầu phát triển trở lại. Do vậy ở khu vực miền Bắc nên trồng sen bắt đầu từ tháng 2 – 4 dương lịch hàng năm là tốt nhất.
Vùng miền Trung, niềm Nam có thể trồng vào hai vụ từ cuối tháng 11 đến tháng 2 dương lịch là vụ cho năng suất cao nhất. Hoặc có thể trồng vụ phụ từ tháng 8 – 9 dương lịch, vụ này cho hoa ít, năng suất thấp.
3. Trồng giống sen gì cho năng suất cao?
Hiện nay có hơn 40 loại giống sen có màu sắc khác nhau được trồng phố biến ở nước ta. Một số giống nổi bật được ưa chuộng như sen trắng bỉ ngạn, trắng viền hồng, sen huyết, sen Drop Blood, Tender Girl, sen Pink Diamonds Lotus (sen kim cương hồng), sen Củ Chi, sen Huế, sen Đồng Tháp …
Lựa chọn giống sen để trồng cho từng vùng khác nhau phụ thuộc vào mục đích của người trồng.
Nếu trồng với mục đích lấy hoa để bán thì nên chọn các dòng sen có thị hiếu cao như sen Tender Girl, sen Phượng Hoàng lửa, sen Bác Trân Hồng, sen Phật Âm, sen Tứ Quý Đỏ, …
Một số giống sen trồng chủ yếu thu hoạch đài sen, ngó sen, củ sen, lá sen như sen hồng, sen Huế, sen Đồng Tháp, … chủ yếu là các giống sen bản địa.
Thông thường nhân giống sen có thể nhân giống từ hạt hoặc từ thân ngầm. Phổ biến nhất là dùng thân ngầm để trồng nhằm rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây, làm cây nhanh ra hoa.
Tiêu chuẩn của cây sen giống: Cây cần đảm bảo sinh trưởng phát triển khỏe mạnh không sâu bệnh hại. Có 2 – 3 lá mập, đường kính lá to đạt từ 25 cm trở lên. Cây giống không bị tổn thương. Nếu cây sen giống được gieo từ hạt cần được ngâm ủ đúng kỹ thuật như ủ nhiệt độ từ 20 – 25oC trong cát có độ ẩm bão hòa. Cát ủ phải được khử trùng để tránh nhiễm bệnh. Sau ủ 7 – 10 ngày cây sen mọc, và có thể tách cây để trồng. Thời gian từ gieo hạt đến trồng khoảng 25 – 35 ngày.
4. Kỹ thuật làm đất trồng sen nước
Căn cứ vào điều kiện cụ thể từng vùng, từng hộ, thời tiết khí hậu, tính chất đất đai, tập quán canh tác, mùa vụ để xác định thời điểm, phương pháp làm đất thích hợp.
Thông thường hộ dân trồng sen trên những vùng đất trũng. Tuy nhiên cây sen cho năng suất không cao. Muốn trồng sen thương phẩm cần quan tâm đến thiết kế bờ bao vững chắc, chủ động hệ thống nước tưới cho cây sen sinh trưởng phát triển tốt.
Đất cần được thu dọn xác thực vật trên đồng ruộng. Tiến hành cày ải đất, đảm bảo độ sâu canh tác từ 25 – 30 cm, bùn nhuyễn, phẳng, sạch cỏ dại. Trong quá trình cày bừa kết hợp bón phân lót, giữ mực nước trong ruộng từ 20 – 25 cm. Việc làm đất được tiến hành trước khi trồng từ 10 – 15 ngày.
5. Mật độ và kỹ thuật trồng trồng sen tạo năng suất cao
Tùy vào mức đầu tư ban đầu để quyết định chi phí đầu tư giống. Nếu giống tự khai thác nguồn có sẵn thì có thể trồng dày 2.000 cây/ha. Nếu giống mua thì nên trồng với mật độ 800 – 900 cây/ha ( hàng cách hàng từ 3 – 4m, cây cách cây 2m).
Kỹ thuật trồng sen: Duy trì mực nước trong ruộng từ 20 – 25 cm. Tiến hành rải cây sen giống theo đúng mật độ khoảng cách định trồng. Tiến hành trồng bằng phương pháp nhúng thân rễ xuống bùn sâu từ 7 – 10 cm, đảm bảo cây giống không bị nổi trên mặt nước. Sau khi trồng xong duy trị mực nước ổn định sau 10 ngày mới đưa nước vào tùy từ 25 – 30 cm.
6. Kỹ thuật chăm sóc cây sen trên ruộng
6.1 Kỹ thuật bón phân cho cây sen
Theo cách trồng sen truyền thống rất ít hộ đầu tư phân bón cho ruộng sen. Thường để cây tự sinh trưởng theo điều kiện tự nhiên, đến vụ thì thu hoạch sản phẩm. Tuy nhiên với phương pháp này năng suất cây sen không cao. Đồng thời gốc sen cỗi dần theo hằng năm.
Khi trồng sen nhằm thu hoạch sản phẩm thương mại thì cần phải đầu tư và thâm canh. Việc bón phân cho ruộng sen là yếu tố tiên quyết tạo ra năng suất cho cây sen, tiền đề cho hiệu quả kinh tế cao.
Lượng phân bón cho cây sen tính cho 1 ha: 500 – 800 kg vôi bột + 600 – 800 kg lân + 300 – 400 kg ure + 150 – 200 kg kali. Hoặc có thể sử dụng phân NPK liều lượng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
Phương pháp bón: Bón lót kết hợp cùng thời điểm làm đất trước trồng, bón tỷ lệ 100% vôi bột + 100% phân lân + 30 % đạm + 20 % kali. Cả chu kỳ sinh trưởng của sen trong một năm chia ba lần bón thúc. Thúc lần 1 (sau trồng từ 20 – 25 ngày, cây sen bắt đầu bén rễ hồi xanh): Bón 20 % lượng đạm + 20 % lượng kali. Thúc lần 2 (sau trồng 50 – 60 ngày, cây đẻ nhánh phát triển thân ngầm, thân lá mạnh): Bón 30% lượng đạm + 30% kali. Thúc lần 3 (sau trồng 70 – 80 ngày, khi cây bắt đầu ra hoa): Bón hết lượng phân còn lại.
Tùy vào điều kiện, chân đất của ruộng sen để điều chỉnh lượng cho phù hợp. Nếu ruộng sen thâm canh cao thì bón tăng lượng. Mật độ trồng thưa có thể giảm lượng phân bón. Các giống bản địa thì lượng bón thông thường thấp hơn một số giống ngoại lai.
6.2 Chế độ nước hợp lý cho ruộng sen
Trong suốt quá trình cây sen sinh trưởng phát triển cần ít nhất duy trì mực nước từ 25 – 30 cm. Nếu trồng sen với mục đích thu hoa, đài, lá thì cần duy trì mực nước tối thiểu. Mặt khác thu ngó và củ thì cần nâng mực nước cao từ 40 – 45 cm để tăng khả năng sinh trưởng phát triển thân ngầm của cây sen nâng cao năng suất cho cây.
6.3 Quản lý cỏ dại trên đồng ruộng
Cỏ dại, dong rêu, … Các thực vật khác trên ruộng sen sẽ sinh trưởng cạnh tranh dinh dưỡng với cây sen. Do vậy, để cây sen cho năng suất cao cần thu dọn cỏ dại, dong rêu, …. Việc này cần tiến hành kết hợp cùng mỗi lần bón phân cho cây sen để giảm chi phí nhân công.
7. Phòng trừ sâu bệnh hại cây sen
Trong quá trình trồng cây sen, nếu giai đoạn làm đúng kỹ thuật, bón đầy đủ thì thông thường ít phải sử dụng thuốc hóa học phòng trừ sâu bệnh hại cây sen.
Cây sen là cây trồng nước, lá lớn, mức khép tán lá cao nên chủ yếu phòng bệnh là chính.
Một số đối tượng sâu bệnh hại cây sen như: Sâu ăn tạp, bệnh bọ trĩ, …. Có thể sử dụng một số dòng thuốc phun đặc trị ví dụ Actara 25WG, Vitako 40WG, … Bệnh thán thư, bệnh thối củ, thối rễ, … có thể phun thuốc Vimonyl 72WP, MapHeRo 340 WP, … Lưu ý trước khi phun tháo cạn nước. Phun xong duy trì độ ẩm bão hòa trên ruộng, sau 3 – 5 ngày cho nước từ từ vào.
Đối với các bệnh hại cần xử lý đất, cải tạo đất bằng cách bón vôi và phun các chế phẩn khử trùng đất là phương pháp tốt nhất nhằm phòng trừ bệnh hiệu quả.
8. Thu hoạch sen như thế nào là đúng kỹ thuật?
Kỹ thuật thu hoạch sen quyết định đến 70% giá trị thương phẩm. Vì vậy cần tiến hành thu hoạch đúng thời điểm, đúng kỹ thuật mới mang lại giá trị hiệu quả cao.
Tùy vào mục đích thu sản phẩm thương mại là gì để áp dụng kỹ thuật thu hái cho hợp lý. Nếu thu hoạch hoa có thể tiến hành bắt đầu từ 30 ngày sau trồng. Thu hoạch hoa khi hoa bắt đầu hé nở là thời điểm thích hợp nhất cho giá trị thương phẩm cao nhất. Nếu thu đài sen thì nên thu khi đài sen chuyển màu đen trên phía đầu. Khi thu hái đài cần loại bỏ lá nuôi đài để tạo điều kiện cho cây mọc chồi mới.
Chúc bà con thành công!