Trong sử dụng phân bón, chăm sóc cà phê, yếu tố kỹ thuật mang tính quyết định đến hiệu quả sử dụng, từ đó ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế.
Mùa mưa Tây Nguyên đang đến, hiện đang giai đoạn đầu mùa mưa, cũng là thời điểm cây cà phê cần nhiều dinh dưỡng để đáp ứng nhu cầu về sinh trưởng dinh dưỡng cũng như tăng trưởng quả. Tuy nhiên, theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, mùa mưa năm nay có khả năng phân bố không đều. Mưa thất thường hơn, xen kẽ nắng nóng, đặc biệt từ tháng 6, 7 sẽ ảnh hưởng đến canh tác cà phê, nhất là quản lý dinh dưỡng và sâu bệnh hại, từ đó có thể gây rụng quả, làm giảm năng suất cũng như chất lượng sản phẩm.
Cùng với yếu tố thời tiết dự báo không thuận lợi cho tăng trưởng, tích lũy chất khô của quả cà phê, giá cả vật tư đầu vào ngày càng tăng cao, đặc biệt là giá phân bón cũng có tác động tiêu cực đến quá trình đầu tư và chăm sóc vườn cây. Ngoài ra, giá cà phê có xu hướng tăng, song không tăng theo kịp giá phân bón nên đã làm giảm đáng kể lợi nhuận của nông dân sản xuất cà phê, từ đó ảnh hưởng đến động lực đầu tư, chăm sóc vườn cà phê trong niên vụ 2022 – 2023.
Trong bối cảnh hiện nay, để đảm bảo sản xuất cà phê bền vững, thu nhập đảm bảo, cần phải áp dụng các giải pháp về quản lý dinh dưỡng thông minh, quản lý sâu bệnh hại… phù hợp cho từng giai đoạn; đặc biệt là giai đoạn đầu mùa mưa để giúp cây cà phê sinh trưởng khỏe, có khả năng chống chịu với điều kiện bất thuận, cho năng suất cao và ổn định.
Bón cân đối phân vô cơ và hữu cơ
Giai đoạn đầu mùa mưa tăng trưởng thể tích quả cà phê rất nhanh, chiếm 65 – 70 % thể tích quả khi thu hoạch và quyết định đến độ lớn của hạt cà phê nhân. Tốc độ tăng trưởng thể tích quả tăng dần từ tháng 5 đến cuối tháng 6. Giai đoạn này sinh trưởng của cây cà phê cũng như tốc độ phát sinh hệ cành thứ cấp dự trữ cho vụ sau cũng rất nhanh và mạnh, chiếm tới 80% tổng số cành dự trữ của cây trong năm. Vì vậy, nhu cầu dinh dưỡng của cây giai đoạn này là rất lớn, cần phải bổ sung đầy đủ và kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu của cây, từ đó hạn chế rụng quả cũng như duy trì được năng suất và chất lượng sản phẩm.
Việc cung cấp các chất dinh dưỡng không đầy đủ, kịp thời và cân đối cho cây vào giai đoạn này ngoài tác hại gây rụng quả cà phê, quả cà phê sẽ nhỏ lại, từ đó làm hạt cà phê nhân nhỏ hơn bình thường, là nguyên nhân không chỉ làm giảm năng suất cũng như chất lượng sản phẩm cà phê mà còn ảnh hưởng đến năng suất cà phê ở vụ sau.
Để thích ứng với tình hình giá cả phân bón ngày càng cao, hạn chế tác hại của biến đổi khí hậu đến sản xuất cà phê cùng với giá cà phê biến động như hiện nay, việc sử dụng phân bón cần ưu tiên bón cân đối phân vô cơ và hữu cơ. Lượng phân bón vô cơ phải tương ứng với năng suất thu hoạch, bón quá nhiều sẽ gây lãng phí, tăng chi phí đầu tư, lợi nhuận thấp và tổn hại cho môi trường sinh thái (lượng phân vô cơ thất thoát nhiều hơn làm ô nhiễm môi trường đất và nước).
Ngược lại, bón ít hơn so với năng suất thu hoạch sẽ làm cho quả cà phê bị rụng, nhân nhỏ lại dẫn đến năng suất thấp, hiệu quả kinh tế giảm; hệ cành dự trữ cho vụ sau phát triển kém nên năng suất vụ sau cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”
Việc sử dụng phân bón trong giai đoạn này cần tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” (đúng loại, đúng lượng, đúng thời điểm và đúng kỹ thuật) và “2 không” (không bón rải đều trên mặt, không bón đón mưa).
Để sử dụng đúng loại phân cho cà phê, các nhà khoa học khuyến cáo nên dùng các loại phân bón chuyên dùng theo giai đoạn. Đây là giải pháp quản lý dinh dưỡng thông minh trong bối cảnh hiện nay, bởi các loại phân bón chuyên dùng cho từng giai đoạn đã được nghiên cứu, sản xuất đáp ứng theo nhu cầu dinh dưỡng của cây cà phê cho quả bao gồm các chất đa, trung và vi lượng.
Các loại phân bón chuyên dùng theo giai đoạn thế hệ mới cũng đã được các nhà sản xuất đưa vào các chất làm tăng hiệu quả sử dụng phân bón, nhằm giảm thất thoát, tăng khả năng hấp thu của cây, từ đó giúp giảm chi phí và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.
Ví dụ, đối với cây cà phê kinh doanh đầu mùa mưa cần nhiều đạm, lân, ít kali và một số nguyên tố trung vi lượng để đảm bảo cho cây sinh trưởng tốt, phát sinh hệ cành dự trữ cho vụ sau và đáp ứng cho nhu cầu tăng trưởng nhanh về thể tích quả.
Trong sử dụng phân bón, yếu tố kỹ thuật mang tính quyết định đến hiệu quả sử dụng, từ đó ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Bón phân không đúng kỹ thuật (bón rải đều trên mặt, bón không lấp phân, bón đón mưa….) làm lượng phân thất thoát từ 15 – 40%, không những gây lãng phí mà còn có nguy cơ ô nhiễm môi trường sinh thái (nước, đất), từ đó làm phát sinh sâu bệnh hại từ đất.
Chúc bà con có một vụ mùa bội thu!