Khi muốn canh tác bất cứ một giống cây trồng nào thì chúng ta đều phải lưu ý đến tính chất của đất canh tác. Bề mặt đất canh tác là tầng đất có chứa các thành phần chất hữu cơ và mang đặc tính riêng của từng loại đất, từ đặc tính riêng đó sẽ có những cây trồng phù hợp và không phù hợp.
Đặc tính cây sầu riêng là cây cho trái nên có yêu cầu cao về lượng dinh dưỡng trong đất, đất thích hợp cho sầu riêng cần có thành phần cơ giới nhẹ, tơi xốp, nhiều chất hữu cơ, thoát nước tốt và thoáng khí nhưng phải đủ ẩm để các hoạt động trao đổi chất của cây được hiệu quả.
Sầu riêng thích hợp với loại đất nào?
Các loại đất phù hợp để trồng cây sầu riêng gồm:
1. Đất thịt
Đất thịt là đất có chứa cả 3 thành phần: Cát, phù sa và sét. Với đất thịt có hàm lượng cát cao sẽ gọi là đất thịt pha cát và với đất thịt có hàm lượng sét cao sẽ gọi là đất thịt pha sét. Đất thịt có khả năng giữ chất dinh dưỡng và thoát nước tốt mà vẫn đủ ẩm cho cây sinh trưởng. Đất thịt phân bố ở Đồng bằng Sông Cửu Long như Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Hậu Giang… và Hooc Môn, Bình Chánh, Củ Chi.
2. Đất phù sa
Đất phù sa được bồi đắp từ các con sông, chứa nhiều chất dinh dưỡng đa, trung, vi lượng cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng sinh trưởng, phát triển và cho năng suất cao. Loại đất phù sa này tập trung chủ yếu ở các đồng bằng châu thổ các con sông như Đồng bằng Sông Cửu Long, Đồng bằng Sông Hồng…
Đất phù sa ven sông Tiền, sông Hậu là vùng đất rất thích hợp để trồng sầu riêng, nhưng phải chú ý lên líp cao, bồi đất và đắp ụ để nâng cao mực thủy cấp đối với vùng đất thấp để tránh tình trạng úng rễ. Tuy đất ở Đồng bằng Sông Hồng phù hợp với cây sầu riêng nhưng nhiệt độ trung bình năm ở đây thấp, có mùa đông lạnh, giá rét không phù hợp trồng sầu riêng.
Ở ĐBSCL hàng năm đều diễn ra hạn mặn, các khu vực nhiễm mặn ở ĐBSCL như: Huyện Gò Công Đông, huyện Gò Công Tây, huyện Tân Phú Đông và các địa điểm gần cửa biển của Tiền Giang, ở Bến Tre có huyện Châu Thành, huyện Chợ Lách và một số địa phương ở các cù lao, ven sông Cổ Chiên, sông Hàm Luông của Bến Tre.
Bà con ở các khu vực kể trên nên cân nhắc khi trồng sầu riêng và nên có các biện pháp đề phòng, ứng phó kịp thời khi tình hình hạn mặn thay đổi phức tạp theo từng năm như hiện nay.
3. Đất đỏ bazan
Đất đỏ bazan được hình thành từ sự phun trào núi lửa và trải qua thời kỳ phong hóa để trở thành loại đất đỏ mà ngày nay người ta thường gọi là đất đỏ bazan. Đất đỏ bazan chứa hàm lượng đất sét, chất hữu cơ, bazơ, các yếu tố vi lượng (Cu & Zn) và khoáng chất đã được phong hóa, kết cấu đất tơi xốp, nhanh thoát nước, mưa lớn dễ gây sạt lở và rửa trôi. Đất đỏ thường phân bố ở khu vực Tây Nguyên, các tỉnh miền Trung…
4. Đất xám
Đất xám có màu đúng như tên gọi của nó với thành phần cơ giới nhẹ, kém dinh dưỡng và chua, đất xám thường bị khô hạn và kém tơi xốp, đất xám phân bố ở các tỉnh Đông Nam Bộ. Để canh tác trên nền đất này cần thường xuyên bổ sung phân hữu cơ và các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng, đặc biệt chú ý đảm bảo cung cấp đủ nước tưới tránh để đất khô hạn.
Đất cát không thích hợp với cây sầu riêng vì có hàm lượng dinh dưỡng thấp và nhanh thoát nước, còn đất sét thì giữ chặt nước làm thối rễ sầu riêng nên cũng không phù hợp để canh tác.
Cây sầu riêng cũng có thể phát triển tốt trên các vùng đất đồi núi, tuy nhiên cần chú ý tưới nước đủ và giữ ẩm cho cây vào mùa khô và bổ sung thêm các loại phân hữu cơ cho đất. Chú ý cắt tỉa cành, tạo tán phù hợp và neo cây giúp giảm tác hại từ gió mạnh trên đồi.
Vừa rồi là phần trình bày về các loại đất trồng phù hợp với canh tác cây sầu riêng. Mong rằng trước khi trồng cây sầu riêng bà con có thể cân nhắc loại đất trồng của mình có phù hợp hay không.
Chúc quý bà con thật nhiều sức khỏe và vụ mùa bội thu!