Kỹ Thuật Nuôi Ngỗng

Phần một: Giới thiệu Một số giống ngỗng

1. Ngỗng cỏ (ngỗng sen) Việt Nam.

Ngỗng cỏ hay ngỗng sen phân bố rộng rãi khắp cả nước. Ngỗng cỏ được nuôi nhiều ở vùng đồng bằng và trung du. Ngỗng có 2 loại hình chính là loại hình lông trắng và lông xám. Ngoài ra còn có ngỗng loang xám trắng do sự pha tạp giữa 2 loại trên.

Đặc điểm thân mình có cấu tạo chắc chắn, có dáng hình thoi, tiết diện thân gần như tròn. Ngỗng có đầu nhỏ, cổ dài và mảnh. Ngỗng đực có mào sừng hình tròn nằm ở gốc mỏ trên, mỏ màu vàng da cam, mắt màu xám đen, bụng thon gọn, chân cao vừa phải và chắc chắn. Khoảng 210 – 240 ngày tuổi ngỗng có thể đẻ. 
Ngỗng đẻ mỗi năm khoảng 26 – 35 quả. Khối lượng trứng trung bình từ 145g -175g. Ngỗng trưởng thành (2 năm tuổi) trống nặng: 4,0kg – 4,5kg, mái nặng: 3,8kg – 4,2kg.

Ngỗng cỏ chịu kham khổ tốt và có khả năng kháng bệnh cao hơn các giống ngỗng ngoại.

2. Ngỗng sư tử

Bắt nguồn từ Bắc Trung Quốc và Xiberi, ngỗng có sức đề kháng và sức đẻ 50 – 70 quả/năm. Ngỗng sinh trưởng và phát triển nhanh, thích nghi tốt với điều kiện thiên nhiên của ta.

Ngỗng có tầm vóc to trông dữ tợn, có lông màu xám, đầu to mỏ đen thẫm, mào màu đen. Mắt nhỏ và có màu nâu xám. Phần trên cổ có yếm da, thân mình dài vừa phải, ngực dài nhưng hẹp, xương to nhưng thịt màu hơi trắng. Có thể dùng ngỗng sư tử để lai với ngỗng cỏ để nâng cao khối lượng và tầm vóc.

3. Ngỗng Hungari cải tiến

Được hình thành từ giống ngỗng địa phương với giống ngỗng sư tử Trung Quốc. Đời con cho màu lông xám và lông trắng. Tốc độ sinh trưởng và tăng trọng bình thường: 10 tuần tuổi đạt 3,4 – 3,6kg. Bình quân đẻ 30 quả/mái/năm. Khối lượng trứng: 150 – 180g/quả.

Ngỗng Hungari có khả năng thích nghi tốt với hoàn cảnh sống tự nhiên và tận dụng thức ăn tự nhiên tốt. Người ta còn dùng giống ngỗng này để sản xuất gan.

Phần hai: Thức ăn trong chăn nuôi ngỗng

Các loại thức ăn được sử dụng trong chăn nuôi ngỗng gồm:
1. Thức ăn xanh: Rau, bèo, cỏ, củ, quả.
2. Thắc ăn hạt: Ngô, thóc, đậu tương, lạc củ.
3. Thức ăn bổ sung khoáng.

1. Thức ăn xanh và củ, quả

Ngỗng sử dụng tốt và rất hiệu quả thức ăn xanh (lá rau, các loại bèo, các loại cỏ.Trong nuôi ngỗng thức ăn xanh chiếm 30 – 40% lượng thức ăn cung cấp hằng ngày. 
Ngoài ra trong thức ăn xanh còn có một số loại củ như: khoai lang, sắn củ bỏ vỏ và bí đỏ.

2. Thức ăn hạt

* Ngô:
Được sử dụng nhiều trong giai đoạn vỗ béo. Ngô có hàm lượng caroten và tinh bột cao. Tuy vậy cần chú ý trong khâu bảo quản vì ngô dễ bị nấm mốc.
* Thóc:
Thóc là một phần lương thực được sử dụng trong chăn nuôi ngỗng. Trong hạt thóc tỷ lệ xơ cao, protein, chất béo và giá trị năng lượng trao đổi thấp hơn ngô. Trong chăn nuôi nông hộ thóc được sử dụng nhiều dể chăn nuôi vịt, ngan và ngỗng.
* Hạt đậu tương:
Đậu tương là nguồn thức ăn thực vật Năng lượng trao đổi cao, giàu protein. Cần chú ý rang hoặc luộc chín hạt đậu để làm mất hiệu lực của các độc tố của hạt.
* Lạc:
Lạc có hàm lượng chất béo cao. Ngỗng sử dụng tốt các củ lạc cả vỏ sót và rơi vãi trên ruộng sau thu hoạch.
* Cám gạo:
Là sản phẩm sau xay xát có giá trị dinh dưỡng cao. Cám gạo tốt, ít chất xơ, nhiều Vitamin B1. Khi sử dụng nên phối hợp với các thức ăn tinh khác. Đối với ngỗng, vịt có thể nấu chín hoặc trộn lẫn với rau xanh.

3. Thức ăn bổ sung

Trong thực tế chăn nuôi ngỗng ít bị thiếu khoáng và Vitamin nếu ngỗng được nuôi với đủ rau cỏ xanh và được chăn thả cỏ. Sự thiếu hụt khoáng và vitamin chỉ xảy ra với ngỗng nuôi nhốt. Cần bổ sung thêm: Bột vỏ sò, vỏ trứng là nguồn thức ăn chứa 33% canxi và khoảng 6% photpho, sử dụng bổ sung để nuôi ngỗng.

Phần ba kỹ thuật nuôi ngỗng

I- Kỹ thuật nuôi ngỗng con, ngỗng choai

1. Chọn ngỗng con

Ngỗng phải nở đúng ngày, khối lượng từ 85 – 100g/con, nhanh nhẹn, lông bông, mắt sáng không hở rốn, dáng đi vững vàng. 
Hai là ngỗng cỏ có lông màu vàng chanh

2. Nhiệt độ

Tuần 1: 32 – 35 C
Tuần 2: 27 – 29 C
Tuần 3: 25 – 27 C
Tuần 4: 23 – 25 C
Đảm bảo nhiệt độ gột ngỗng trong những ngày mới nở và trong mùa gột ngỗng là yếu tố quan trọng đầu tiên giúp ngỗng con có sức đề kháng tốt.
– Biện pháp sưởi ấm: Có thể dùng lò sưởi bằng bóng điện 100w. 
Nếu sử dụng trấu hoặc than cần phải chú ý để khói thoát ra ngoài tránh ngỗng con bị ngạt bởi thiếu Oxi và ngộ độc khí cacbonic. Cách tốt nhất nhận biết ngỗng có đủ ấm hay không là quan sát đàn ngỗng. + Nếu thiếu nhiệt: Ngỗng bị lạnh sẽ nằm đè lên nhau, cum thành từng đống. Cần tăng cường nguồn nhiệt và che chắn chuồng nuôi để giữ nhiệt, đồng thời tách những ngỗng yếu để chăm sóc riêng.
+ Nếu quá nóng: Ngỗng tránh xa nguồn nhiệt
+ Nếu bị lạnh: Ngỗng con dạt về một phía, nằm cụm thành từng nhóm. Cần che chuồng cho kín gió.
+ Nếu đủ nhiệt: Ngỗng con đi lại ăn uống bình thường

3. Quây và máng ăn, máng uống

– Quây: Có tác dụng ngăn ngỗng không đi xa, đồng thời có tác dụng che ấm cho ngỗng con trong mùa đông.
– Máng ăn: Sử dụng máng có kích thước 45cm*60cm*2cm dùng cho 25 – 30 ngỗng con.
– Máng uống: Sử dụng máng nhựa cho ngỗng uống. Mỗi máng sử dụng cho 15 – 20 con.

4. Chất độ chuồng

Dùng các loại rơm, trấu, mùn cưa để lót chuồng ngỗng. Trước khi lót phải tiến hành vệ sinh sạch sẽ, phơi khô sau đó mới đem vào sử dụng.

5. Ánh sáng

Cần đảm bảo 24/24 giờ ở những ngày đầu, sau đó là 18 – 20 giờ ở các tuần tiếp theo.

6. Mật độ

Mật độ cần đảm bảo:
1 – 7 ngày tuổi: 10 – 15 con/m2
8 – 28 ngày tuổi: 6 – 8 con/m2

7. Thức ăn và cách nuôi dưỡng ngỗng

II. Kỹ thuật chăn nuôi ngỗng hậu bị, sinh sản

1. Chuẩn bị cơ sở vật chất

– Cần chuẩn bị con giống, chuồng trại và thức ăn+ Giống ngỗng: Cần có kế hoạch về quy mô đàn và thời gian nuôi để có kế hoạch mua con giống cho chủ động và mua được giống tốt
+ Chuồng trại: Ngỗng sinh sản không cần chuồng nuôi cầu kỳ. Chuồng nuôi chỉ làm bằng những nguyên liệu dễ kiếm như tre, lứa. Tường bao không cần qua kín để tiện lợi việc đi lại của ngỗng, dễ dàng vệ sinh và đảm bảo sự thông thoáng. Nề chuồng làm bằng gạch hoặc láng xi măng để dễ quét dọn, nền phải có độ dốc về sau. Nên có diện tích mặt nước trước chuồng để cho ngỗng tắm và bơi lội.
+ Thức ăn: Cần dự trữ ngô, thóc từ đầu vụ cho đàn ngỗng hậu bị và sinh sản. Cần 45 – 50kg thóc hoặc ngô/ngỗng.
– Gây giống ngỗng hậu bị: Ngỗng có thể đẻ trứng từ 3 – 4 năm. Nếu điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng tốt thì ở các năm tiếp theo ngỗng mái không giảm sút nhiều sức đẻ ở các năm tiếp theo. Chọn được ngỗng hậu bị tốt sẽ quyết định đến sự thành bại của đàn ngỗng sinh sản. Có 2 cách để gây giống hậu bị.
+ Cách thứ nhất: Tự gột ngỗng từ 1 ngày tuổi và chọn giữ lại ngỗng mái. , phao câu to. . Đối với ngỗng đực chọn những con có lý lịch rõ ràng có các chỉ tiêu giống của ngỗng bố về tốc độ sinh trưởng, màu lông phải đặc trưng cho giống, đầu to mắt sáng, dáng hùng dũng.
+ Cách thứ hai: Mua ngỗng dò lúc 77 ngày tuổi hoặc ngỗng hậu bị lúc 180 ngày tuổi. Cách này áp dụng cho những người chưa có kinh nghiệm gột ngỗng 1 ngày tuổi, nếu tiến hành theo cách này thì cần có kế hoạch dự trù số lượng ngỗng giống cần mua từ các cơ sở giống.

2. Gây ngỗng để sinh sản

Về cơ bản giống ngỗng đã được chọn ở giai đoạn hậu bị, cần tiến hành chọn lọc lần cuối trước khi vào đẻ. Giữ lại những con giống đạt yêu cấu sau:- Con mái: Khoẻ mạnh, dáng thanh, đạt khối lượng 3,6 – 3,8kg, lỗ huyệt ướt, xương chậu nở, có biểu hiện thích đi cùng ngỗng trống.- Con trống: Khoẻ mạnh, dáng hùng dũng, đạt khối lượng 4 – 4,5kg, gai giao cấu phát triển rõ ràng.

3. Kỹ thuật nuôi dưỡng ngỗng sinh sản trong chăn thả.

– Tỷ lệ trống mái cần thiết là 1:4 hoặc 1:5.
– Chuẩn bị ổ đẻ: Làm vách ngăn cao hơn nền chuồng khoảng 20cm để ngỗng đỡ làm bẩn trứng, dưới có rơm rạ sạch để lót ổ. Cứ 2 – 3 ngỗng cần 1 ổ đẻ.
– Chăn thả ngỗng đẻ: 
Thời gian : Sáng từ 8 – 11giờ
Chiều từ 2 – 5 giờ
Buổi trưa: Cho ngỗng về nhà hoặc tránh nắng đưới các gốc cây, bổ sung 50g thóc hoặc ngô/con/ngày.
Buổi tối: Khi ngỗng về nhà cho ăn nốt số thức ăn còn lại, từ 100 – 150g/con/ngày.

Phần bốn: Một số bệnh ngỗng thường mắc và cách phòng trị

1. Bệnh tụ huyết trùng

– Nguyên nhân: Bệnh tụ huyết trùng hay còn gọi là hoại hụyết ngỗng, do vi khuẩn Pasteurellosis gây ra. Ngỗng rất mẫn cảm với bệnh này. ở những ngỗng khoẻ mạnh vẫn có mầm bệnh.
– Triệu chứng: Thể quá cấp, ngỗng đang khoẻ mạnh, lăn ra chết.
Thể cấp tính: ngỗng uể oải, ủ rũ. Từ mỏ và lỗ mũi có tiết chất nhờn có bọt, có thể có tiếng khò khè. Lông xù, mất óng ánh. Phân màu xám, vàng hoặc xanh, đôi khi có máu, ỉa nhiều. Mào bị tím xanh. Thở nhanh và khó
– Bệnh tích: ở thể quá cấp có thanh dịch trong bao tim. trong trường hợp cấp tính tụ máu trong các lớp da bên trong và dưới da; xuất huyết ở nội tâm mạc; bao tim ứ đầy nước; viêm tá tràng; trong xoang bụng có thanh dịch; gan xưng, có nhiều điểm hoại tử, lá lách sưng; phổi viêm và có nốt sần.
– Phòng bệnh: Không nên nuôi lẫn lộn giữa vịt, ngan và ngỗng. Chuồng trại cần làm vệ sinh thật chu đáo, kể cả các dụng cụ ăn uống cần được tẩy uế sát trùng theo định kỳ thời gian, nhất là khi có dịch bệnh xảy ra.
– Trị bệnh: 
+ Dùng Streptomicin 100 – 150mg/1kg thể trọng liên tục trong 3 – 5 ngày.
+ Sunfamethazin trộn với thức ăn 0,5% hoặc hòa với nước uống 1%.

2. Bệnh dịch tả vịt lây sang ngỗng

– Triệu chứng: Điển hình là đau mắt đỏ và sưng
– Phòng bệnh: Trước hết cần cách ly đàn giống khỏi khu vực có các đàn vịt lớn hoặc đang mắc bệnh, chuồng trại cần được tiêu độc cẩn thận trước lúc nuôi đàn giống. Những nơi có ổ dịch tả vịt thường xuyên xảy ra càn tiêm vacxin dịch tả để phòng.
– Trị bệnh: Khi xảy ra bệnh thì việc điều trị là kém hiệu quả, cần tiêm ngay vacxin vào thẳng ổ dịch. Những ngỗng mắc bệnh nặng sẽ chết (20 – 50%), số còn lại trong đàn có khả năng tạo kháng thể và tồn tại, tỷ lệ chết này tuỳ thuộc và tính chất nặng nhẹ của ổ dịch. Cần lưu ý cùng với việc tiêm thẳng vacxin thì công tác tẩy uế chuồng trại cần được thực hiện nghiêm túc, xác ngỗng chết phải được chôn cùng chất sát trùng như vôi bột hoặc foocmol. Bổ sung vitmin C và vitamin B vào nước uống liều: 2g/1lít nước.

3. Bệnh phó thương hàn

– Nguyên nhân: Đặc trưng là ỉa chảy, viêm kết mạc và gầy sút. Bệnh có ở tất cả các nơi, gây chết 70 – 80% đàn gia cầm non, gia cầm lớn mắc bệnh ở thể mãn tính, làm sức đẻ trứng bị giảm sút. Gia cầm bệnh và khỏi bệnh là nguồn lây bệnh chủ yếu. Chúng có thể đẻ trứng đã bị nhiễm bệnh, nếu nhiễm nặng khi ấp phôi thai có thể chết, nếu nở được thì con cũng mắc bệnh. khi ngỗng bị quá mệt do vận chuyển, chuồng trại chật trội, độ ẩm cao, bẩn, thiếu nước uống, sự biến đổi nhiệt lớn sẽ phát bệnh. Sự nhiễm bệnh chủ yếu qua đường tiêu hoá, có khi qua hô hấp, qua phối giống.
– Triệu chứng và bệnh tích: Thể cấp tính: ỉa chảy, có bọt khí, viêm thanh dịch, có mủ, viêm màng kết mạc làm cho đau mắt. Cánh rủ, lông xơ, cánh khô mất lánh. Bệnh kéo dài từ 1 – 4 ngày, gây chết đến 70%. Thể mãn tính thường thấy ở gia cầm lớn: ỉa chảy, đôi khi có máu, lông khô mất ánh. Viêm lỗ huyệt, buồng trứng. trong thể mãn tính niêm mạc manh tràng thương bị phủ bởi lớp vàng dễ bóc. Túi mật sưng, đầy mật. trong lòng ruột non chứa dịch đục, đặc, màng niêm mạc thuỷ thũng, thường sung huyết, đôi khi bị phủ lớp màng như cám xám bẩn.
– Phòng và trị bệnh: 
+ Dùng Biomixin liều: 5 – 10mg/lần từ 2 – 3 lần/ngày, liên tục trong 5 – 6 ngày. 
+ Có thể dùng các loại thuốc khác: Norflorxacin, TA.vimicin…(theo hướng dẫn của nhà sản xuất).
Không dùng trứng của các ngỗng mẹ có bệnh để ấp.

4. Bệnh cắn lông, rỉa lông

– Nguyên nhân: Bệnh thường xảy ra ở các đàn ngỗng nuôi nhốt chật trội, không có sân vận động. Chuồng trại ẩm ướt, thiếu ánh sáng. Nhiệt độ môi trường tăng cao đột ngột, không khí khô, ánh nắng chói chang, hoặc do nhốt chung con lớn bé, hoặc do đưa các con mới về chuồng. 
Bệnh thường xảy ra ở các đàn ngỗng đang ở lứa tuổi mọc lông vài và lông cánh. ngoài ra có thể trong khẩu phần thiếu protein nghiêm trọng, hoặc trong thời gian ngắn cho ăn quá nhiều đạm động vật, sau đó lại thiếu, hoặc trong thức ăn thiếu khoáng (lưu huỳnh, phốt pho, coban, mangan). 
Có thể do các yếu tố sinh lý như sự ồn ào. Điều hết sức quan tâm đối với ngỗng con là thiếu rau cỏ. Ngỗng con hầu như suốt ngày rất cần rỉa rau, nếu không có, buồn miệng hay nhấm rỉa lông nhau. Rỉa đến khi chảy máu và màu đỏ của máu lại tăng kích thích mổ cắn lông.
-Phòng bệnh: Cần kết hợp các yếu tố tổng hợp, nhất là nuôi dưỡng và chuồng trại. Điều dễ dàng, đơn giản, đơn giản nhất là nhanh chóng tập cho ngỗng ra sân và chăn thả ngay từ ngày tuổi thứ 7 trở đi. Phát hiện sớm các ngỗng con bị rỉa để cách ly chúng ra khỏi đàn.
– Trị bệnh: Cho ăn sunfat canxi (thạch cao) vì trong chất này chứa 23% canxi và 18% lưu huỳnh. 
Cho uống nước pha 1% muối liên tục trong vài ngày có thể dập tắt được bệnh. 
Cho ăn bột lông và tăng cường rau xanh. 
Bổ sung dầu cá hoặc vitamin A từ 5 – 10 ngày với liều 10.000 – 15.000 UI và cách nhau 15 – 20 ngày lặp lại 3 lần.

Chăm sóc ngỗng thịt

Ngỗng là loại gia cầm dễ nuôi, hay ăn, chóng lớn, ít mắc bệnh. Ngỗng chỉ ăn cỏ, ăn rau là chính, ít dùng lương thực. Nuôi trong 4-8 tháng ngỗng đã cho thu hoạch 4-7kg.

Có nhiều giống ngỗng: ngỗng trắng, ngỗng xám vằn, loại chân thấp, chân cao… Nếu nuôi ngỗng đàn, nên chọn ngỗng xám vằn, chân to, đi khoẻ, chịu kiếm ăn.

Ngỗng mới nở chọn con có bộ lông mịn, sáng, lỗ hậu môn gọn, khô, mắt sáng, nhanh nhẹn, ăn uống bình thường.

Nếu nuôi ngỗng cái đẻ, nên chọn con có mắt đen, to, sáng, cổ nhỏ dài, ngực gọn mình dài, bụng dưới nở nang, phao câu to, những con này mắn đẻ, ấp khéo. Đối với ngỗng đực nuôi làm giống thì chọn những con có cổ ngẩng cao, ngực nở, hai chân cao, thân mình dài cá trắm, lỗ hậu môn màu hồng.

Thời kỳ ngỗng con

Là thời gian từ khi nở đến 30 ngày tuổi. Đây là thời gian đòi hỏi phải chăm sóc cẩn thận vì ngỗng mới nở còn yếu, ăn uống chưa quen, khả năng thích ứng kém.

Lúc mới nở, lông ngỗng còn ướt, giữ ngỗng trong thúng hay cót quây cao 0,8-1m, dưới lót rơm mềm, trên đậy lớp vải thưa, đến khi khô lông bắt ra ràng, bắt đầu tập cho ăn uống. Thời gian ủ lông khô kéo dài khoảng 10-12 giờ. Chú ý nếu thời tiết lạnh rét, cần thắp bóng điện để giữ ấm nhiệt độ chuồng nuôi 28-30 độ C.

Trong tuần lễ đầu, ngỗng còn yếu, chưa cho ngỗng ra ngoài, cho ăn bột ngô, gạo, mỳ… trộn với rau tươi rửa sạch thái nhỏ (ngỗng thích ăn rau diếp, xà lách). Cho ăn mỗi con 50g thức ăn tinh, 100g rau xanh mỗi ngày chia làm 4 bữa: sáng, trưa, chiều, tối (9 giờ tối), cho ăn dần từng ít một, ăn xong cho uống nước sạch ngay.

Từ ngày thứ 8 trở đi có thể thả ra bãi cỏ để ngỗng vặt cỏ ăn. Từ thời kỳ này, lượng thức ăn cho ngỗng tăng dần: mỗi con cho ăn 70g thức ăn tinh và 120g rau cỏ xanh mỗi ngày.

Từ sau 2 tuần tuổi, giảm bớt tỷ lệ thức ăn tinh và tăng rau cỏ xanh cho ngỗng. Thời kỳ này tập cho ngỗng ăn thêm thóc, khoai băm nhỏ, đưa ngỗng chăn thả ở những bãi xa. Giai đoạn ngỗng con kết thúc khi ngỗng được 30 ngày tuổi.

Thời kỳ ngỗng choai

Sau 1 tháng tuổi là thời kỳ ngỗng choai. Ngỗng choai dễ nuôi, mau lớn, phàm ăn và ít bệnh tật. Ngỗng nuôi thịt có thể nuôi chăn thả từ vài chục con đến hàng trăm con. Đàn ngỗng nuôi phải cùng lứa tuổi nhau để chúng có độ đồng đều và dễ chăm sóc. Sau mỗi buổi chăn thả về, nếu vào vụ thu hoạch lúa thì không cần phải cho ngỗng ăn thêm. Sau khi ăn no, ngỗng thích uống nước và bơi lội. Ngỗng choai được tắm và bơi lội đầy đủ sẽ có bộ lông mượt và béo tốt hơn những con ngỗng nuôi không được bơi tắm.

Nếu thời kỳ ngỗng lớn không trùng vào vụ gặt lúa, cuối ngày chăn thả về cần cho ăn thêm thóc, cám, ngô, khoai hay sắn băm nhỏ. Nếu có điều kiện thì cho ngỗng ăn thêm bã đậu, bỗng rượu hay cám công nghiệp chúng càng mau lớn.

Vỗ béo ngỗng

Tuỳ điều kiện từng gia đình nuôi mà có thể xuất chuồng sau 90 ngày, 120 hay 150 ngày tuổi. Để tăng nhanh trọng lượng ngỗng đồng thời làm tăng chất lượng thịt, nên tiến hành vỗ béo ngỗng trước khi bán. Nhốt ngỗng vào những ngăn chuồng nhỏ (mỗi ngăn một con) kín gió song thông thoáng, tránh ánh nắng trực tiếp chiếu vào chuồng, giữ yên tĩnh cho chuồng nuôi. Cho ngỗng ăn tăng thức ăn tinh, giảm vận động. Thời gian vỗ béo 12-15 ngày trước khi bán, không kéo dài hơn tốn thức ăn mà ít hiệu quả.

Nhìn chung sau khi nuôi 3-4 tháng, ngỗng thường đạt trọng lượng 4- 4,5kg, những giống ngỗng ngoại nhập có thể cao hơn, đạt 4,5- 5kg. Nếu ngỗng được nuôi dưỡng chăm sóc tốt ngay từ đầu thì thời gian có thể rút ngắn không tới 3-4 tháng nuôi.

Chúc bà con thành công!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *