Việc lạm dụng phân bón quá mức cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới sinh trưởng và phát triển của cây dưa. Nhiều trường hợp lạm dụng quá mức làm cho cây bị hỏng và phải hủy bỏ toàn bộ vườn.
-Thời điểm cây hay bị ngộ độc phân: Thông thường cây hay bị ngộ độc ở giai đoạn sinh trưởng sinh dưỡng (thời điểm từ cây nhỏ có 3 – 4 lá thật cho đến khi cây chuẩn bị ra hoa). Cây dưa thường có biểu hiện ngộ độc phân rõ nhất từ sau khi cây có 5 – 7 lá thật và treo cây quấn ngọn xong
1. 𝐓𝐫𝐢ệ𝐮 𝐜𝐡ứ𝐧𝐠:
Trên lá: Lá có màu xanh đậm (xanh đen), dày và cong, phồng hơi nhăn, lá bé hơn bình thường, các lá xếp xít nhau và không xòe ra như bình thường. Nếu bị nặng thì cây bị đùn lại và sẽ ra một chùm lá tập trung trên một đốt (các lá này thường không có cuống lá rõ rệt). Các lá trên cây có cảm giác bị giòn và rất dễ gãy khi đụng vào.
Trên ngọn và thân: Ngọn chùn lại, cây không nở ngọn, đốt ngắn, thân cây mập và có màu xanh đậm và có dạng dẹt không tròn như bình thường.
Việc thừa phân bón còn xảy ra trên cây lớn (đang mang quả và đặc biệt là giai đoạn quả đang lên vân lưới) làm cho quả bị vỡ vân lưới dẫn đến mẫu mã rất xấu làm giảm giá trị thương phẩm.
2. 𝐍𝐠𝐮𝐲ê𝐧 𝐧𝐡â𝐧
Do bón quá nhiều phân (đặc biệt là phân đạm) dẫn đến cây bị ngộ độc.
Bón không cân đối giữa phân đạm và kali.
Bón quá nhiều phân trong điều kiện thời tiết có độ ẩm cao, trời mưa và âm u ít nắng.
𝐊𝐡𝐢 𝐩𝐡á𝐭 𝐡𝐢ệ𝐧 𝐜â𝐲 𝐛ị 𝐭𝐡ừ𝐚 𝐩𝐡â𝐧 𝐛ó𝐧 𝐜ầ𝐧 𝐥à𝐦 𝐧𝐡ư 𝐬𝐚𝐮:
♻Đối với cây nhỏ:
Ngưng ngay việc tưới phân trong thời gian 2-3 ngày (nếu cây bị nặng có thể ngưng 3-4 ngày) và theo dõi tình hình sinh trưởng của cây.
Dùng nước trắng tưới rửa đất vào giá thể để giúp cây giải độc phân bón (tưới càng nhiều nước càng tốt).
Sau khi ngưng tưới phân và tưới rửa nếu thấy cây đẩy ngọn và mở lá trở lại thì tiến hành tưới phân cho cây. Lưu ý, chỉ tưới với lượng vừa phải để cây quen dần sau đó mới nâng mức EC lên theo quy trình đang áp dụng.
♻Đối với cây lớn quả đang tạo vân lưới (chủ yếu bị trên dưa lưới trồng trên đất hoặc giá thể phối trộn đất với xơ dừa):
Khi phát hiện cây bị thừa phân bón cần tiến hành ngưng tưới phân, giảm lượng nước tưới cho cây (chỉ duy trì lượng nước tưới vừa đủ để cây không bị héo).
Cắt tỉa lá chân và tay chèo tạo độ thông thoáng cho vườn, nếu chưa bấm ngọn mà cây đã có 22-25 lá thật rồi thì tiến hành bấm ngọn cho cây.
Nếu có thể thì bổ sung thêm phân bón chứa Canxi bo và Silic cho cây để giúp vỏ quả cứng hơn và tăng khả năng chống chịu với sâu bệnh hại cũng như điều kiện bất thuận của thời tiết.
Khi cây ổn định và các vết nứt vân trên quả đã khô nhựa mới tiến hành tưới phân trở lại.
Nếu thời tiết mưa nhiều, ẩm độ cao thì tiến hành phun thuốc phòng trừ nấm bệnh cho cây (để hạn chế nấm bệnh xâm nhập qua các vết thương hở).
Chúc bà con thành công!