Bà con biết đấy, với cây trồng đất không chỉ là nơi bám trụ và lưu trữ dinh dưỡng mà còn là nhà của hệ sinh vật sống trong đó. Chính nhờ sự phong phú và đa dạng như thế mà các nhà khoa học nhân hóa lên gọi là “đất sống”.
Phải nói rằng đời sống thực vật gắn chặt với đất. Khi kết thúc một chu kì sinh trưởng cây sẽ trả hữu cơ về đất. Cứ như thế, dòng tuần hoàn dinh dưỡng được thiết lập bởi những chuỗi thức ăn đan xen trong hệ sinh thái.
Trong đất là cả một thế giới sống ví đó là một hành tinh như Trái Đất chúng ta vậy. Chúng ta không nhìn thấy thế giới đó vì ta chỉ nhìn những gì bên ngoài không để tâm đến những cái bên trong.
Đất bị lãng quên, bị dung nạp những thứ không thể hấp thu dần đi đến hệ lụy là đất “chết”, cây trồng cũng không thể sống khỏe, mất năng suất, tiền bạc kèm theo đó là sự than khóc của người nông dân.
Lúc này người nông đân mới bắt đầu tìm lại tri thức bản địa năm xưa. Đó chính là con đường hữu cơ bền vững và thân thiện môi trường.
Hệ sinh thái trong đất thực sự phức tạp và đa dạng bậc nhất, với hơn 1 tỷ vi sinh vật đại diện cho 10.000 loài sinh vật sống. Tức là trong 1g đất chứa hàng triệu những vi sinh vật, chúng là những loài: vi khuẩn, vi nấm, vi rút, tảo, nguyên sinh động vật,…
Mỗi loài sẽ có vai trò nhất định góp phần tạo nên sự phong phú trong hệ sinh thái. Chính những nhóm côn trùng sẽ có nhiệm vụ đầu tiên là phân cắt xác bã thực vật từ những mảnh lớn thành mảnh nhỏ, tiếp đó vi sinh vật sẽ tấn công vào để phân hủy hoàn toàn thành chất hữu cơ.
Đây không chỉ là chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng mà còn giúp đất thật tơi xốp, màu mỡ, đất có thêm nhiều tế khổng (lỗ rỗng) khi đó rễ cây mới có thể len lõi và phát triển tốt. Là đáp án hết sức thuyết phục cho câu hỏi làm sao để bộ rễ có thể phát triển mạnh mẽ nhất.
Chính vì vậy mà việc bổ sung phân bón hữu cơ, nguồn xác bã thực vật vào đất là hết sức cần thiết và quan trọng. Nó đã chứng minh tính khả thi trong việc giải quyết bài toán kinh tế cho từng nông hộ.
Nhờ thế mà họ tiết kiệm được chi phí dùng phân hóa học hằng năm, đất canh tác cũng như cây trồng được bảo vệ và cung cấp thêm nguồn hữu cơ nên nhanh chóng tái sinh và phục hồi.
Đặc biệt đối với cây trồng thì vùng rễ cây (Fhizosphere) không đủ khả năng huy động dinh dưỡng từ đất để hút lên và nuôi cây. Vì vậy, cây trồng rất cần sự hỗ trợ quan trọng của hệ sinh vật đất.
Tại vùng rễ (Fhizosphere) này tiết ra rất nhiều chất hữu cơ để vi sinh vật phát triển cực mạnh. Theo cơ chế, vi sinh vật lấy dinh dưỡng trong đất để nuôi chính cơ thể của nó và sau khi chết đi nó trả lại dinh dưỡng cho cây trồng hấp thụ. Đây là mối quan hệ cộng sinh điển hình quan trọng đối với đất, cây trồng và hệ sinh vật.
Màu xanh trở lại, sự sống trong đất bắt đầu sinh sôi, hệ sinh thái được phục hồi từ giải pháp hữu cơ sinh học. Ở đây, chúng ta không phủ nhận “Cuộc cách mạng xanh” đã nghiên cứu và áp dụng thành công phân bón hóa học vào canh tác nông nghiệp mà nhắc nhở rằng chúng ta phải biết cân bằng và ngưng lạm dụng quá mức cho phép.
Hãy kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật và tự nhiên để tạo ra những vườn cây lành trái ngọt. Từ đó, chúng ta thêm trân quý sự hào sản của thiên nhiên ban tặng cùng với vô vàn sự biết ơn. Cảm ơn bà con đã theo dõi bài viết.
Chúc bà con có một vụ mùa bội thu!