1. Đạm là gì?
Đạm là chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với cây trồng. Cùng với lân và kali, đạm là một trong ba nguyên tố dinh dưỡng đa lượng gần như quyết định đến năng suất và chất lượng cây trồng. Lượng đạm trong cây chiếm tỷ lệ rất cao, từ 1-5% trọng lượng khô, với một số cây có khả năng cố định đạm thì tỷ lệ này có thể lên đến 7%.
2. Vai trò của đạm đối với cây trồng
– Đạm sau khi vào rễ cây sẽ được đồng hóa và chuyển thành nhiều loại amino acid. Các amino acid này tiếp tục được sử dụng để tạo nên các protein, enzyme và nucleic acid phục vụ cho các hoạt động hình thành cấu trúc bên trong cây, kiểm soát quá trình trao đổi chất và mang thông tin di truyền.
– Đạm giúp hình thành nên cấu trúc chính của diệp lục tố, đủ đạm giúp lá to và có màu xanh đậm, hoạt động hấp thụ ánh sáng mặt trời và quang hợp diễn ra mạnh mẽ hơn.
– Tăng sinh trưởng và phát triển của các mô sống, từ đó thúc đẩy quá trình tăng trưởng của cây, giúp cây ra nhánh phân cành tốt hơn.
– Đạm gần như quyết định chất lượng và năng suất của hầu hết các loại cây trồng, đặc biệt là cây lấy hạt, rau ăn lá.
3. Các dạng đạm mà cây trồng hấp thụ
– Hầu hết các loài thực vật không có khả năng đồng hóa hay sử dụng đạm dưới dạng khí Nitơ (N2), mà chỉ sử dụng đạm ở dạng NO3–, NH4+.
– Tùy thuộc vào loại cây trồng, độ tuổi và điều kiện môi trường như pH mà khả năng hấp thụ dạng đạm NH4+ hay NO3– cũng khác nhau. Trong điều kiện đất đủ ẩm, thoát nước tốt, pH thấp thì dạng NO3– chiếm ưu thế trong việc cung cấp đạm cho cây. Với điều kiện pH trung tính thì khả năng hấp thụ dinh dưỡng dạng NH4+ lại chiếm ưu thế.
– Khi cây hấp thụ đạm dạng NH4+ sẽ làm giảm sự hấp thụ kali, canxi và magie. Ngược lại, cây hấp thụ mạnh hơn lưu huỳnh, lân và clo.
– Nồng độ NH4+ cao có thể gây độc cho cây, hạn chế mạnh sự hấp thụ kali, ngưng sinh trưởng cây trồng. Ngược lại, cây trồng chống chịu tốt với nồng độ NO3– cao và tích lũy NO3– mạnh ở trong cây. Điều này đã làm cho dư lượng Nitrat (NO3–) trong thực phẩm ngày càng phổ biến và khó kiểm soát.
– Đối với tất cả các loại cây trồng, cả 2 dạng đạm NO3– và NH4+ điều rất cần thiết. Trong khi đó, các loại phân hóa học hiện nay chủ yếu cung cấp một dạng đạm trong công thức phân, không tối ưu được sinh trưởng, phát triển và sức khỏe cây trồng. Vì lẽ đó mà xu hướng sử dụng các sản phẩm đạm hữu cơ ngày càng được quan tâm. Vì an toàn cho sức khỏe người dùng, không dư lượng nitrat, nhiều chất dinh dưỡng, đủ cả 2 dạng đạm và rất tốt cho cây trồng.
4. Tác hại khi cây thừa đạm
– Khi thừa đạm, làm kéo dài thời gian chín của quả do mối quan hệ giữa đạm và các chất dinh dưỡng bị mất cân đối, đặc biệt là kali, lân và lưu huỳnh. Thể hiện rõ nhất ở thanh long trong giai đoạn mang trái, dư thừa đạm làm kéo dài thời gian chín, vỏ quả chậm chuyển sang màu đỏ.
– Thừa đạm sẽ làm cho cây không chuyển hóa hết lượng đạm cây hấp thụ sang dạng hữu cơ, làm tích lũy nhiều dạng đạm vô cơ gây độc cho cây trồng. Đây cũng là nguyên nhân gây nên dư lượng nitrat trong rau, củ, quả thương phẩm.
– Thừa đạm sẽ làm cho cây sinh trưởng quá nhanh, gây ra hiện tượng cây cao mà yếu, dễ bị đổ ngã trước điều kiện bất lợi của thiên nhiên.
– Thừa đạm đòi hỏi cây phải huy động nhiều cacbon cho việc trung hòa lượng đạm, làm khả năng hình thành chất xơ và sức khỏe cây trồng từ đó cũng giảm theo.
– Thừa đạm làm quá trình sinh sản bị đình trệ, tác động mạnh mẽ đến sự ra hoa của cây trồng. Có thể thấy rõ điều này ở giai đoạn phân hóa mầm hoa của nhiều loại cây trồng, các nhà chuyên môn thường khuyến cáo giảm hoặc không bón đạm để cây phân hóa mầm hoa tốt hơn. Tuy nhiên, việc đình trệ sự ra hoa cũng giúp ích cho nhiều loại cây trồng như rau quế, bồ ngót,…tránh khỏi việc ra hoa, từ đó giúp tăng năng suất và giảm công lặt bỏ hoa.
– Thừa đạm làm tăng sự mọng nước ở các chồi non, đọt non và ngọn cây. Trong giai đoạn mùa mưa, sự mọng nước càng mạnh mẽ, cây dễ bị côn trùng, sâu bệnh hại tấn công hơn.
5. Tác hại khi cây thiếu đạm
– Thiếu đạm làm giảm sự hình thành diệp lục tố bên trong lá, đặc biệt là lá non. Làm lá non có màu xanh nhợt nhạt, khi già hình thành nên màu vàng ở lá và nhanh chóng rụng đi.
– Thiếu đạm làm cây tích lũy nhiều cacbonhydrate, cây hình thành nhiều chất xơ hơn và làm cây trở nên khô ráp, cằn cỗi hơn.
– Thiếu đạm làm cây sinh trưởng chậm, phân cành đẻ nhánh kém. Kéo dài thời gian cho quả bối trên nhiều loại cây trồng vì cây chưa đạt kích thước và sức khỏe để bắt đầu cho thu hoạch.
– Thiếu đạm làm lá nhỏ, cành tán thưa thớt, khả năng tích lũy dinh dưỡng cũng kém đi, làm năng suất cây trồng giảm theo.
6. Biểu hiện khi cây mất cân bằng dinh dưỡng đạm
Cây thiếu đạm dễ bị nhầm lẫn với triệu chứng cây bệnh ở vùng rễ, thiếu các chất dinh dưỡng khác. Một số biểu hiện dễ nhầm lẫn như cây cằn cỗi, chậm lớn, lá chuyển màu vàng, lâu dần hình thành vết hoại tử.
Tuy nhiên, có thể phân biệt cây thiếu đạm qua mẹo sau. Cây thiếu đạm làm lá non có màu xanh nhợt, bản lá mỏng, lá nhanh già và có màu xanh kém sức sống. Sau đó lá nhanh chóng bị úa vàng và hình thành vết hoại tử.
Lá vàng thường xuất hiện ở những lá bên dưới trước và tiến dần lên các lá trên nếu tiếp tục không được cung cấp đạm một cách kịp thời. Vết vàng hay hoại tử trên lá xuất hiện từ chóp lá tiến dần vào phần thịt lá cho đến khi toàn bộ lá bị vàng và rụng đi.
Với cây thừa đạm thì có thể dễ dàng nhận biết bằng màu xanh rất đậm của lá, cành lá sum suê và mọng nước.
Chúc bà con có một vụ mùa bội thu!