Thời điểm sau thu hoạch là giai đoạn cây nhãn bị yếu nhất với nhiều cành cao, cành vượt. Vì vậy, người trồng cần nắm rõ các kỹ thuật chăm sóc, tỉa cành, tạo tán, bón phân giúp cây nhanh phục hồi và phát triển.
Bởi nếu không xử lý nhanh chóng những vấn đề này thì vườn nhãn của bà con sẽ hỏng cây, gây ra năng suất thấp và khó có thể tạo ra lợi nhuận như ý.
1. Tỉa cành – dọn tán càng sớm càng tốt
Sau khi thu hoạch thì mình phải tỉa cành, dọn tán, dẹp lá xong xuôi mới bón phân, tưới nước. Đây là bước quan trọng quyết định tới năng suất cây nhãn vào vụ kế tiếp. Chính vì vậy, bà con cần làm đúng thời điểm, và làm đồng loạt, muộn nhất là sau khi thu hoạch 10 ngày.
Việc tỉa cành, dọn tán giúp cho vườn cây thông thoáng, tán được kiểm soát độ cao vừa phải, giúp cây phân hóa mầm nhanh, đồng thời còn có tác dụng làm giảm sự gây hại của sâu bệnh cho cây nhãn.
2. Bón phân, tưới nước cho cây đúng thời điểm
Sau quá trình tỉa cành, bà con nên bón phân, tưới nước hợp lý để giúp cây phục hồi sau một mùa nuôi trái kiệt quệ. Mặt khác, cũng như cành lá, sau một thời gian bộ rễ của cây nhãn cũng bị già đi và cần cung cấp kịp thời chất dinh dưỡng để kích thích bộ rễ phát triển mới. Ngoài ra, tùy thuộc vào độ tuổi, thực tế sinh trưởng, phát triển của cây cũng như sản lượng quả thu hoạch của năm trước, bà con cần xác định liều lượng thích hợp để bón cho cây.
Quá trình chăm sóc cây nhãn dù trước hay sau thu hoạch thì việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phải được áp dụng nguyên tắc 4 đúng là Đúng loại – Đúng liều – Đúng thời điểm – Đúng phương pháp. Chỉ sử dụng những loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép. Cẩn thận hơn, người trồng nên theo dõi và ghi lại quá trình chăm sóc cây vào sổ tay. Nhiều nông dân do tâm lý “thừa hơn thiếu”, lại chưa am hiểu về quy trình phát triển của nhãn nên trái chưa đủ lớn đã bị thừa đạm, mưa xuống là rụng rất nhiều, làm tụt hẳn năng suất gây thất thu.
3. Vệ sinh vườn nhãn thông thoáng
Khi vườn nhãn thu hoạch xong, để cây vẫn xanh tốt và theo hướng phát triển mạnh mẽ, thực tế là chỉ cần làm đúng và đủ những kỹ thuật đơn giản như: tỉa cành, làm cỏ, vệ sinh vườn thường xuyên, cắt bỏ hết những phần cành bị sâu bệnh tấn công, thì giảm được rất nhiều sâu bệnh, vườn nhãn từ đó cũng sẽ xanh tốt và phát triển đẹp hẳn.
Cứ sau mỗi vụ thu hoạch nhãn, bà con nên nhanh chóng tỉa cành, dọn tán, vệ sinh vườn bằng cách thu gom cành lá tiêu hủy những mầm bệnh năm trước gây hại cho cây; khơi thông các rãnh thoát nước. Việc thông thoáng vườn sẽ giúp cây dễ dàng hấp thụ và quang hợp ánh sáng.
4. Phòng và trị một số bệnh kịp thời
Sâu bệnh và các loại bệnh thường gặp sẽ làm cây nhãn bị tổn thương, làm tụt giảm năng suất. Để hạn chế sâu bệnh và các loại bệnh hại cây, bà con nên chuẩn bị cho cây sức đề kháng tốt, cung cấp chất dinh dưỡng đầy đủ, thường xuyên ra thăm vườn để xử lý kịp thời, khắc phục ngay khi sâu bệnh & bệnh chưa kịp lan rộng ra khắp vườn.
Chúc bà con có một vụ mùa bội thu!