Loại Sầu Riêng Cầu Vồng Quý Hiếm “Có Một Không Hai”

Sầu riêng Pelangi thường được lai tạo giữa ba loài sầu riêng và sự lai tạo phức tạp này tạo ra phần thịt quả có màu loang lổ rực rỡ thậm chí được gọi là sầu riêng cầu vồng.

Sầu riêng Pelangi là loại quả lớn, dài trung bình từ 20 đến 30 cm. Vỏ rất cứng có màu từ xanh lá cây, vàng, đến nâu với một vài đường sọc. Phần thịt quả sầu riêng có nhiều màu sắc khác nhau, tùy thuộc vào từng cây, từ màu trắng, vàng nhạt, hồng, cam, đến đỏ. Sầu riêng Pelangi múi dày, đặc, hơi dính và sệt như kem, hạt dẹt, kích thước vừa phải. Sầu riêng Pelangi có vị ngọt, cay nồng.

Sầu riêng Pelangi trong đó tên Pelangi dịch từ tiếng Indonesia có nghĩa là “cầu vồng”, là một từ mô tả được sử dụng để nói về màu sắc độc đáo của phần thịt quả. Sầu riêng Pelangi được tạo ra từ ba loài sầu riêng khác biệt. Sự lai tạo phức tạp này tạo ra thịt quả có màu loang lổ rực rỡ. Ngoài sự quý hiếm của chúng, sầu riêng Pelangi cũng đang được thử nghiệm như một giống thương mại mới của Indonesia với hy vọng cạnh tranh với các giống sầu riêng nổi trội có nguồn gốc từ Malaysia và Thái Lan.

Sầu riêng Pelangi có thể được trồng ở nhiều vùng khí hậu và có thời gian bảo quản kéo dài, giữ tươi từ 6 đến 7 ngày so với thời hạn sử dụng trung bình từ 2 đến 3 ngày của sầu riêng truyền thống. Cây cũng cho năng suất rất cao, đậu quả 2 lần trong năm, có thể cho thu hoạch tới 800 quả mỗi cây.

Sầu riêng nói chung có thể phát triển tối ưu ở vùng đất thấp đến vùng đất trung bình và năng suất của nó sẽ giảm nếu ở vùng đồng bằng hoặc vùng cao nguyên có nhiệt độ thấp. Tuy nhiên, sầu riêng Pelangi có thể sống và phát triển tốt ở mọi địa hình, chất đất và ánh sáng mặt trời. Sầu riêng Pelangi có thể cho thu hoạch hai lần trong năm với số lượng trái trên cây từ 400-800 trái mỗi năm. Điều này khác xa so với các loại cây sầu riêng khác chỉ cho thu hoạch một lần trong năm và số lượng trái trung bình 150 trái/năm mỗi cây.

Sầu riêng Pelangi sau khi hái xuống có thể giữ độ tươi ngon trong 6-7 ngày mà không cần xử lý thêm. Điều này thuận lợi nhiều cho quá trình đưa trái cây đi khắp nơi.

Theo Jawa Pos và tạp chí GNFI, màu sắc cầu vồng của sầu riêng Pelangi thể hiện sự thay đổi hàm lượng các hợp chất trong trái sầu riêng. Ví dụ, màu đỏ cho thấy sự hiện diện của các hợp chất chống oxy hóa, rất hữu ích cho sức khỏe. Màu vàng của thịt quả thể hiện sự có mặt của hợp chất Beta Caroten rất tốt cho việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim, giảm quá trình oxy hóa cholesterol xấu, giảm nguy cơ xơ vữa động mạch và bệnh mạch vành tim. Ngoài ra, Beta Carotene còn có thể cải thiện hệ thống miễn dịch và có nhiều hợp chất khác chứa trong thịt của quả sầu riêng Pelangi rất tốt cho cơ thể.

Sầu riêng Pelangi được đánh giá là có thể cạnh tranh với loại sầu riêng Monthong nổi tiếng của Thái Lan hay sầu riêng thượng hạng Musang King của Malaysia. Từ năm 2019, Bộ Nông nghiệp Indonesia đã chuẩn bị hàng trăm hectare đất để trồng giống sầu riêng Pelangi này.

Tài liệu của Đại học Ciputra tại Indonesia cho biết Karim Aristides, nhà khoa học đến từ Nam Sumatra, tốt nghiệp Đại học ở Berlin là người phát hiện ra giống sầu riêng quý hiếm này vào năm 2009. Ông cũng là người giữ độc quyền kinh doanh loại sầu riêng này.

Ngày nay, sầu riêng Pelangi được một số trang trại trên khắp Indonesia trồng và bán thông qua các chợ địa phương như một mặt hàng đặc sản. Sầu riêng Pelangi cũng đang được trồng tại viện nghiên cứu trái cây nhiệt đới Indonesia để phát triển và trồng đại trà.

Chúc bà con có một vụ mùa bội thu!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *