Kỹ Thuật Phòng Chống Sâu Đục Quả Trên Cây Có Múi

Nhằm đưa ra các biện pháp kỹ thuật tạm thời hướng dẫn phòng chống sâu đục quả (trái) cây có múi (bưởi, cam, chanh), giảm tổn thất, góp phần bảo vệ và phát triển sản xuất cây có múi theo hướng sản xuất an toàn, bền vững.

I. PHẠM VI ÁP DỤNG

Quy trình kỹ thuật tạm thời phòng chống sâu đục quả hại cây có múi được phổ biến áp dụng trong hệ thống tổ chức chuyên ngành Bảo vệ, Kiểm dịch thực vật và các tổ chức, cá nhân có trồng cây có múi trên lãnh thổ Việt Nam.

II. ĐẶC ĐIỂM HÌNH THÁI, GÂY HẠI VÀ PHƯƠNG THỨC PHÁT TÁN

1. Đặc điểm hình thái cơ bản

Sâu đục quả cây có múi có 2 loài phổ biến là Prays citri Milliere (Yponomeu – tidae: Lepidoptera) và loài Citripestis sagittiferella Moore(Lepidoptera: Pyralidae) xuất hiện gây hại cây có múi, đặc biệt là cây bưởi trồng tại các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh trồng bưởi khác trong cả nước.

a. Sâu đục vỏ quả (Prays citri Milliere)

– Trưởng thành có kích thước rất nhỏ, màu xám, chiều dài sải cánh khoảng 8mm. Râu đầu thẳng, gần như xếp trên lưng khi đậu.

– Trứng hình tròn, được đẻ trên vỏ quả; trứng mới đẻ có màu trắng trong, nhìn từ bên ngoài giống túi tinh dầu của quả.

– Ấu trùng có màu xanh ngọc, mỗi đốt bụng có một băng ngang màu đỏ quanh thân.

– Nhộng dạng nhộng bọc, màu nâu, nằm trong một lớp kén tơ mỏng trên những lá gần nơi quả bị đục hoặc ngay trên quả.

b. Sâu đục quả (Citripestis sagittiferella Moore)

– Trưởng thành kích thước nhỏ (10 – 12mm), thân mảnh, màu nâu đậm đến xám nâu. Trên cánh trước có những vệt màu đậm dọc theo gân cánh; khi đậu đầu hơi nhô cao hơn thân và có 2 râu đầu mảnh như sợi chỉ, cong hình chữ C ngược về phía trước.

– Trứng hình bầu dục, mới đẻ có màu trắng đục, sắp nở có màu cam đỏ. Trứng có hình vảy cá hơi phồng.

– Sâu non mới nở có màu vàng cam, sâu càng lớn thì màu càng đậm hơn, sâu đẫy sức dài khoảng 19- 22mm, màu đỏ nâu và chuyển sang màu nâuxanh khi đẫy sức.

– Nhộng nằm trong đất, màu nâu đậm, dài khoảng 12 – 14mm

2. Đặc điểm gây hại

a. Sâu đục vỏ quả (Prays citri Milliere)

Sâu xâm nhiễm gây hại từ khi quả còn rất nhỏ, vết đục tạo nên những u sần trên quả, nếu bị nặng quả sẽ rụng. Nếu sâu đục quả gây hại muộn quả không rụng nhưng bị biến dạng bởi những u sần làm giảm giá trị thương phẩm giảm. Sâu gây hại nhiều giai đoạn quả non, quả có vỏ dày như bưởi, cam sành, cam mật nhưng gây hại phổ biến nhất là trên cây bưởi. Chúng chỉ gây hại ở lớp vỏ quả, không hại phần thịt quả (múi, tép bưởi).

Kết quả nghiên cứu ở một số tác giả ở nước ngoài còn cho thấy sâu đục vỏ quả này còn gây hại cả trên hoa.

b. Sâu đục quả (Citripestis sagittiferella Moore)

Sâu non mới nở đục ngay vào vỏ quả sâu khoảng 3- 5mm, mỗi lỗ đục có một con sâu non cư ngụ. Ngoài miệng lỗ thường thấy phân sâu đùn ra nên rất dễ phát hiện. Sâu non càng lớn càng đục sâu vào bên trong để ăn thịt quả. Lỗ đục của sâu vừa tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh xâm nhiễm vừa hấp dẫn trưởng thành ruồi đục quả đến đẻ trứng và gây hại. Trên bưởi sâu non gây hại từ khi quả bưởi đạt kích thước bằng nắm tay cho đến thu hoạch. Khi bị hại nặng quả bị thối và rụng sớm, ảnh hưởng nhiều đến năng suất và sản lượng.

3. Cây ký chủ

Sâu đục quả cây có múi gây hại cả trên bưởi, cam sành, cam mật và chanh Eureka.

4. Phương thức phát tán

Nguồn sâu đục quả phát tán lây lan qua nhiều con đường:

– Trưởng thành có khả năng bay nên khả năng phát tán rộng.

– Quá trình vận chuyển quả còn sâu bên trong từ nơi này đến nơi khác.

– Quả nhiễm sâu rụng xuống đất cũng là nguồn lây lan, phát tán.

– Loài sâu đục vỏ quả Prays citri Milliere có thể lây lan theo cây giống do nhộng nằm trên cây.

Xem thêm: Kỹ Thuật Xử Lý Ra Hoa Trên Cành Nhện Bưởi Da Xanh – Ra Hoa Trong Thân

IV. BIỆN PHÁP PHÒNG CHỐNG

Sâu đục quả cây có múi là các loài sâu hại rất khó phòng trừ vì đa số nông dân chỉ phát hiện khi chúng đã đục vào quả tạo những u sần trên vỏ,giai đoạn này phun thuốc phòng trừ không hiệu quả. Do đó, ở những vùng cây có múi bị nhiễm sâu đục quả nên áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM):

– Tỉa cành tạo tán sau khi thu hoạch để vườn thông thoáng, kết hợp với việc bón phân vun đất để diệt nhộng.

– Thăm đồng thường xuyên để phát hiện thời gian trưởng thành sâu đục quả bắt đầu đẻ trứng hoặc giai đoạn sâu mới gây hại khi quả vừa hình thành.

– Thu gom những quả bị nhiễm còn trên cây và quả đã rụng xuống đất ngâm trong nước vôi nồng độ 1% ít nhất 24 giờ để diệt sâu non.

– Bao quả là biện pháp có hiệu quả cao nhất đối với sâu đục quả: Bao quả khi quả to bằng quả chanh, nếu bao muộn vẫn bị sâu đục quả hại; sử dụng vải màn lưới làm túi bao trái cho hiệu quả cao.

– Nhân thả hoặc tạo điều kiện cho kiến vàng phát triển để chúng tiêu diệt trứng sâu đục quả và sâu non mới nở.

– Phòng trừ bằng thuốc BVTV: Sử dụng thuốc diệt côn trùng sinh học BESTKILL để phun trừ; thuốc BVTV phải sử dụng theo nguyên tắc 4 đúng và đảm bảo thời gian cách ly theo chỉ dẫn trên bao bì thuốc. Phun trừ ở giai đoạn trước nở hoa và giai đoạn quả non.

Chúc bà con có một vụ mùa bội thu!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *