Chăm Sóc Cây Nhãn Trong Thời Kỳ Kiến Thiết Cơ Bản

1. Cắt tỉa tạo hình

– Đối với cây nhân giống bằng phương pháp ghép: Khi cây có chiều cao 0,8 – 1,0 m, tiến hành bấm ngọn để tạo cành cấp 1 hoặc cành cấp 2. Khi cành cấp 1 hoặc cấp 2 phát sinh và sinh trưởng được 50 – 70 cm, tiếp tục bấm ngọn để tạo các cành cấp 2 hoặc cấp 3, cứ như vậy đến khi cây có bộ khung đến cành cấp 3 phân bố đều.

Đối với cành chiết, chọn để lại 2 – 3 cành cấp 1 phân bố đều về các hướng. Khi cành cấp 1 dài 50 – 70 cm tiến hành bấm ngọn để tạo cấp cành tiếp theo như đối với cây nhân giống bằng phương pháp ghép.

2. Tưới nước

Cây nhãn được nhân giống bằng phương pháp ghép hoặc chiết cành, có khả năng ra hoa rất sớm, có thể vào năm thứ 2 sau trồng. Trong giai đoạn kiến thiết cơ bản (3 năm sau trồng), cần thúc cho cây sinh trưởng mạnh để tạo bộ khung tán khỏe mạnh, đủ lớn để cho năng suất khi bước vào thời kỳ kinh doanh. Biện pháp tưới cho cây trong thời kỳ kiến thiết cơ bản được khuyến cáo:

– Năm thứ nhất: Tưới định kỳ với các chu kỳ 1 tuần tưới 1 lần (với 1 lần tưới đậm đến 1 lần tưới qua để giữ ẩm gốc).

Lượng nước tưới cho cây: Tùy theo độ ẩm của đất, lượng nước tưới đậm khoảng từ 10 – 15 lít/cây; tưới qua: 5 – 10 lít/cây. Nếu trời có mưa, tiến hành tưới sau mưa 1 tuần đến 10 ngày tùy theo lượng mưa nhiều hay ít.

– Năm thứ 2 – 3: Tưới định kỳ với các chu kỳ 2 tuần tưới 1 lần.

Lượng nước tưới 15 – 30 lít/cây. Nếu trời có mưa, tiến hành tưới sau mưa 1 tuần đến 10 ngày tùy theo mức độ giữ ẩm của đất.

Vào các thời kỳ nắng nóng kéo dài, cần điều chỉnh chu kỳ tưới tránh để cây có hiện tượng héo.

3. Tiêu nước

– Đối với vùng đồi: Tiêu nước cho cây trồng trên đồi phải gắn với việc phòng chống xói mòn, rửa trôi đất bằng cách: Trồng cây theo đường đồng mức; Ở mép ngoài của bậc thang nên đắp bờ hay tạo nên một gờ nhỏ, còn dọc theo mép trong của bậc thang nên đào mương để hạn chế dòng chảy mạnh của nước mưa từ trên xuống. Ngoài ra có thể trồng cây ở hai bên bờ của rãnh để làm chậm dòng chảy và duy trì, bảo vệ được hình dạng của rãnh; Đối với các rãnh nước tự nhiên, làm chậm dòng chảy của các rãnh nước chảy từ trên xuống bằng cách làm các đập chắn hoặc trồng cây để chắn làm giảm tốc độ dòng chảy.

– Đối với vùng đồng bằng: Việc tiêu nước cần được tính toán cùng với khi thiết kế vườn trồng và triển khai trước khi trồng cây. Ở vùng đất trũng cần đào mương, lên líp, đắp ụ. Đất vàn cao cũng cần có các mương rãnh thoát nước khi trời mưa bão. Mức độ rộng, hẹp của rãnh thoát nước tùy theo điều kiện từng vùng. Thiết kế làm sao sau những trận mưa, không để lại nước đọng trên mặt vườn cây.

4. Trồng xen

Nguyên tắc và cây trồng xen: Cây trồng xen không cạnh tranh dinh dưỡng và ánh sáng với cây trồng chính. Cây trồng xen nên sử dụng là các cây họ Đậu, cây rau, được trồng cách gốc nhãn từ 1,0 m trở lên. Có thể sử dụng một số loại cây ăn quả có thời gian cho quả sớm và bộ tán có thể khống chế (như cây ổi). Trồng xen giữa hai hàng nhãn, hết năm thứ 3 hoặc thứ 4 sẽ chặt bỏ để tập trung chăm sóc cây trồng chính.

5. Bón phân

Lượng phân bón kg/cây theo từng năm như sau:

Cây 1 năm: Phân hữu cơ 30 – 50; Đạm urê 0,1 – 0,2; Lân supe 0,7 – 1,0; Kali clorua 0,2 – 0,3

Cây 2 năm: Phân hữu cơ 30 – 50; Đạm urê 0,2 – 0,3; Lân supe 1,0 – 1,2; Kali clorua 0,2 – 0,3

Cây 3 năm: Phân hữu cơ 50 – 70; Đạm urê 0,3 – 0,5; Lân supe 1,3 – 1,5; Kali clorua 0,3 – 0,5

– Đối với cây 1 – 3 năm tuổi: Sau khi trồng cây nhãn bắt đầu ra đợt đọt non thứ 2 thì bón phân. Năm đầu tiên cây còn nhỏ nên pha phân vào nước để tưới, phải cách gốc 20 – 25 cm để tránh phân làm cháy rễ, hàng năm bón thêm phân hữu cơ hoai mục 5 – 10 kg/cây.

– Thời kỳ bón: Toàn bộ lượng phân vô cơ được chia 4 – 5 lần bón, bón vào sau mỗi đợt lộc non thành thục, lá chuyển màu xanh. Toàn bộ lượng phân chuồng được bón làm 1 lần vào cuối năm.

– Đối với các loại phân vô cơ, hòa phân với nước và tưới cho cây theo hình chiếu tán cây; ngoài ra có thể bón phân bằng cách rắc phân trực tiếp xung quanh hình chiếu tán cây vào cuối các đợt mưa và khi đất còn đủ ẩm.

– Đối với phân hữu cơ: Đào rãnh xung quanh cây theo hình chiếu của tán với bề mặt rãnh rộng 20 – 30 cm, sâu 20 – 25 cm, rải phân hữu cơ xuống trước sau đó đến phân vô cơ, lấp đất và tưới nước giữ ẩm.

Chúc bà con thành công!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *