Lan hồ điệp là biểu tượng của vẻ đẹp quý phái, cao cấp và lộng lẫy trong các không gian trang trí. Hoa của chúng rất lâu tàn và phát triển tốt nhất ở vùng khí hậu mát mẻ. Nhiều người cho rằng một loại cây đẹp và tinh tế như vậy rất khó chăm sóc. Nhưng thực tế thì như thế nào? Mời quý bạn đọc cùng Kinh Bắc tìm hiểu cách trồng và chăm sóc hoa lan hồ điệp để có những bông hoa rực rỡ nhất nhé!
1. Đặc tính của hoa lan hồ điệp
Cây lan hồ điệp có tên khoa học là Phalaenopsis sp thuộc họ lớn nhất trong vương quốc các loài cây, họ lan Orchid Orchidaceae.
Trong tự nhiên, lan hồ điệp phát triển ở tất cả các vùng nhiệt đới ở nhiệt độ ban ngày thích hợp từ 28-35°C, ban đêm từ 20-24°C và độ ẩm tương đối cao.
Lan hồ điệp là một loại lan thân đơn, ngắn, lá to và cứng, rễ dài. Cây ưa bóng râm, có khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng qua đường rễ và lá. Những cây nguyên giống thường nở hoa vào mùa đông xuân, các cây lai giống hoa nở quanh năm. Nếu nuôi đúng cách lan hồ điệp có thể sống rất lâu. Có cây sống được trên 18 năm sau đó ra hoa ở ngọn rồi mới chết.
Căn cứ theo màu sắc mà người ta chia lan hồ điệp thành các loại như: lan hồ điệp trắng, lan hồ điệp tím, lan hồ điệp vàng, ngoài ra còn có lan hồ điệp rừng.
2. Ý nghĩa của lan hồ điệp
Tương ứng với các màu sắc khác nhau lan hồ điệp mang đến những ý nghĩa khác nhau. Thân hình tròn trịa, cánh hoa xinh đẹp mọc đối xứng cùng với màu sắc tươi sáng tượng trưng cho tình yêu mãnh liệt, biểu tượng cho sự sinh sản dồi dào, mang đến vượng khí tốt trong phong thủy.
Tượng trưng tình yêu mãnh liệt
Hoa lan hồ điệp được coi là biểu tượng cho tình yêu nguyên nhân bắt nguồn từ đặc tính của cây phát triển khá dễ dàng, hoa có thể nở dưới mọi điều kiện. Vào thời Victoria thì người ta đã xem hoa lan hồ điệp như là một món quà giá trị để khẳng định một tình yêu đẹp, vững bền.
Và họ có quan niệm rằng khi lựa chọn hoa làm quà tặng ít hoa như lan hồ điệp thì tình yêu của đôi lứa càng sâu đậm. Và đến nay người Châu Âu đã chọn loài hoa này là biểu tượng tình yêu quan trọng.
>>>Xem thêm: Muốn Chăm Cây Thì Cần Chăm Rễ, Chăm Đất
Biểu tượng cho sự sinh sản dồi dào
Mỗi nước trên thế giới quan niệm khác nhau về sự sinh sản. Ví dụ như ở Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới quan niệm lan hồ điệp mang ý nghĩa sung túc, đủ đầy con cháu trong gia đình luôn hạnh phúc và rộn rã tiếng cười.
Còn ở Hy Lạp, lan hồ điệp dùng để xác định giới tính của thai nhi trong bụng mẹ. Dù phong tục có khác nhau thế nào đi nữa, hoa lan hồ điệp vẫn tượng trưng cho sự sinh sản dồi dào của loài người.
Mang đến vượng khí tốt trong phong thủy
Theo phong thủy, lan hồ điệp rất hợp với nhiều cung mệnh. Ví dụ như lan hồ điệp hồng sẽ tương hợp với người mệnh Hỏa, màu trắng là sự lựa chọn cho người mệnh Kim.
Màu hợp nhất với người mệnh Thổ là màu đỏ và những màu mang thể phối theo là màu tìm và hồng. Vì vậy, những gia chủ mệnh này nên trồng lan hồ điệp trong nhà để tăng cường vận mệnh tươi sáng, phát huy tài khí, đặc biệt là giúp tinh thần luôn sảng khoái, thư giãn.
Vì mang đến vượng khí phong thủy tốt nên lan hồ điệp thường được nhiều người lựa chọn để trưng bày trong những ngày Tết Nguyên Đán bởi chúng không chỉ mang vẻ đẹp kiêu sa, quý phái mà hoa còn chơi được rất lâu. Tuy nhiên, sau Tết những nhánh lan hồ điệp đa phần bị chết hoặc lụi dần, không thể phát triển tiếp do người chơi không biết cách chăm sóc.
3. Cách trồng hoa lan hồ điệp
Bước đầu tiên trong cách chăm sóc hoa lan hồ điệp Kinh Bắc muốn chia sẻ đến các bạn chính là chọn cây con, kế đến là chuẩn bị giá thể trồng cây và trồng cây vào chậu. Lan hồ điệp nếu biết trồng đúng cách thì cây phát triển khá tốt, dễ sống và cho hoa đẹp. Do vậy chọn cây con là bước quan trọng đầu tiên mà khách hàng cần tìm hiểu khi chơi loại hoa này.
3.1 Chọn cây con
Các vườn cây cho giống hoa lan hồ điệp hiện nay đều chọn cách ươm giống hoa. Ngoài ra, nếu bạn biết cách tận dụng từ lan hồ điệp hiện có ở nhà, các bạn có thể tách cây hoặc nhân giống từ những cây con.
Chọn cây giống lan hồ điệp tốt nhất nên chọn những cây có bộ rễ chắc chắn, lá cây bản to, xanh là thân cây chắc chắn. Như vậy, việc trồng cây sẽ tăng tỷ lệ sống hơn. Hạn chế những cây con yếu ớt, thân cây không chắc chắn và bộ rễ bị thối khi còn nhỏ.
>>>Xem thêm: Bí Kíp Trồng Hoa Cúc Ra Hoa Đúng Dịp Tết Nguyên Đán
3.2 Chuẩn bị giá thể trồng lan hồ điệp
Sau khi đã chọn được cây giống hoa lan hồ điệp, bước tiếp theo là bước chọn giá thể trồng lan. Lưu ý, chọn giá thể trồng lan phải có đặc tính giữ nước, giữ độ ẩm tốt cho cây. Đây cũng là tiêu chí ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ sống của cây vườn ươm lan cũng như quá trình sinh trưởng thành phẩm.
Giá thể trồng lan cần phải tơi xốp, thoáng khí, giữ nước cũng như thoát nước tốt, kích thước không quá nặng. Do đó, một số giá thể trồng lan hồ điệp tốt nhất như đá trân châu, vỏ cây dương xỉ, than bùn, dớn trắng… Những giá thể này trước khi trồng cây cần phải loại bỏ hết các vi khuẩn gây bệnh và cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng.
3.3 Trồng lan hồ điệp vào chậu
Sau khi đã chuẩn bị cây non và giá thể trồng cây, tiến hành để phần giá thể như than củi, xơ dừa… lót dưới chậu, chỉ khoảng 1/3 lượng giá thể, sau đó lấy một lớp mỏng xơ dừa đã băm nhỏ cho vào chậu rồi đặt cây đứng với tư thế mong muốn.
Tiếp đến, cho tiếp phần xơ dừa vào chậu đến cách miệng chậu 1cm, vỗ xung quanh chậu cho xơ dừa xuống đều, giữ cây đứng đúng tư thế. Sau cùng tưới nước cho cây.
4. Cách chăm sóc hoa lan hồ điệp
Trong quá trình nuôi dưỡng và chăm sóc hoa lan hồ điệp, bạn cần lưu ý những yếu tố: ánh sáng và nhiệt độ thích hợp, độ ẩm và tưới nước đầy đủ, phân bón và phòng ngừa sâu bệnh, tạo môi trường sống thông thoáng, kích thích ra hoa, thay chậu định kì cho cây.
4.1 Ánh sáng và nhiệt độ thích hợp
Hoa lan hồ điệp rất cần ánh sáng để phát triển tốt. Nếu trồng trong nhà thì nên đặt ở vị trí gần cửa sổ có ánh sáng tự nhiên tuy nhiên cần tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp. Người chơi hoa cũng có thể sử dụng đèn led để chiếu sáng nhân tạo. Các đèn led chiếu sáng nên đặt ở phía trên của cây và nên chiếu ít nhất 12 đến 16 giờ hàng ngày. Trường hợp ở trong nhà kính, cây nên được che bằng tấm vải, nhất là trong mùa hè.
Loài lan hồ điệp cần nhiệt độ ban ngày từ 18-29oC và nhiệt độ ban đêm là 13-18oC. Trong suốt mùa thu, nhiệt độ nên duy trì dưới 16oC liên tục trong 3 tuần khi cụm hoa bắt đầu xuất hiện. Thông thường, sự thay đổi bất thường về nhiệt độ và độ ẩm có thể là nguyên nhân làm rụng nụ của hoa.
4.2 Độ ẩm và tước nước đầy đủ cho cây
Hoa lan hồ điệp cần độ ẩm từ 50 đến 80%. Nếu ở môi trường có độ ẩm thấp hơn, bạn có thể dùng màn che để hạn chế cây thoát hơi nước. Một biện pháp đề phòng thoát ẩm khác là giữ cây ở trong chậu có chứa sỏi hay đá cuội và nước tuy nhiên cần đảm bảo cây phải luôn ở trên sỏi, đá cuội và không chạm vào nước. Việc tưới nước cho loài cây này rất quan trọng và người chăm cây nên thực hiện một cách cẩn thận.
Vào những ngày hè nóng bức, cây cần được tưới nước khoảng 2 đến 3 lần/ngày, ngược lại vào mùa đông chỉ cần tưới khoảng 10 ngày một lần. Thời gian tốt nhất để tưới nước là buổi trưa vì lá sẽ khô cho tới tối.
Nước dính lại có thể khiến cho lá bị thối, vì thế cách tốt nhất là người trồng nên tưới nước cho cây phù hợp với từng mùa, đồng thời cũng xem xét nhu cầu nước và giá thể sử dụng.
>>>Xem thêm: Top Các Loại Thiên Địch Có Lợi Trong Biện Pháp Sinh Học
4.3 Phân bón và phòng ngừa sâu bệnh
Bón phân cho lan hồ điệp nên được tiến hành thường xuyên hơn vào mùa hè và khi cây đang trong giai đoạn tăng trưởng. Vào mùa đông, cây sẽ sử dụng ít chất hữu cơ hơn nên bón ít phân cũng được.
Lưu ý cần tưới nước cho cây đầy đủ trước khi bón phân. Loại phân bón với công thức ổn định như NPK 14-14-14 là tốt nhất cho cây. Cây đang ra hoa cần được sử dụng phân công thức có hàm lượng photpho cao hơn (10-30-20%).
Lan hồ điệp rất thu hút các loài sâu gây hại như: sâu đục nụ, nhện, rệp, ốc sên, kiến. Những loài sâu hại bám vào lá cần được loại bỏ bằng nước xà phòng hoặc thuốc trừ sâu, sau đó nên rửa sạch lại lá bằng một miếng vải mềm.
4.4 Tạo môi trường sống thông thoáng
So với các loài hoa lan cùng loài khác, sự thông gió ở hoa lan hồ điệp là việc làm tối cần thiết nhất. Vì đây là một yếu tố rất quan trọng trong việc phòng ngừa các bệnh thối rữa và nhiều lọai vi nấm thường gặp ở loài lan này.
Sự thông gió càng lớn thì cây càng ít bệnh vì nó giúp cây mau khô sau khi tưới. Tuy nhiên, sự thông gió quá mạnh cũng sẽ dễ làm cho cây mất nước. Do đó, cần chú ý điều chỉnh độ thoáng gió vừa phải, giữ cho lá của lan hồ điệp luôn khô ráo là ổn, việc này phụ thuộc vào vị trí đặt chậu lan hồ điệp và không gian quanh chậu.
4.5 Kích thích ra hoa
Hoa lan hồ điệp thường sẽ tàn sau khi nở được khoảng 3 tháng. Sau khi hoa tàn, người trồng có thể điều khiển cho cây ra hoa lại bằng cách cắt bỏ toàn bộ cuống hoa, phương pháp này rất tốt nếu cuống hoa đã già và có màu nâu.
Tuy nhiên, nếu cuống hoa còn màu xanh, người chơi hoa chỉ nên cắt một đốt trên cuống hoa. Đoạn cành được cắt bỏ nên có độ dài khoảng 10-12cm, điều này có thể giúp cây hình thành một cành mới trong vòng 2 đến 3 tuần sau.
4.6 Thay chậu định kì cho cây
Hoa lan hồ điệp có tuổi thọ sống khá dài, vì vậy người chăm cây cần thay chậu cho cây định kì. Có hai lý do mà cây cần được thay chậu, một là cây không sinh trưởng tốt được trong chậu đang trồng, hai là giá thể bị phân hủy và không đủ không khí để duy trì cho rễ cây phát triển tốt. Việc thay chậu có thể thực hiện một lần trong một năm hoặc hai năm, mùa thích hợp nhất để thay chậu là mùa xuân mát mẻ.
Rễ cây phát triển lan ra sẽ phủ lên chậu và giá thể ở trong chậu làm bịt kín các khe hở giữa các rễ, không có khoảng trống giữa giá thể và rễ cây. Điểm bắt đầu của thân cây nên được giữ một đoạn ngắn ở dưới giá thể. Sau khi thay chậu, người chăm nên giữ cây trong bóng mát và tưới nước sau 3 ngày.
Mong rằng với những chia sẻ về cách trồng và chăm sóc hoa lan hồ điệp của Kinh Bắc sẽ mang đến nhiều thông tin hữu ích cho quý bạn đọc.
Chúc bà con có những vụ mùa bội thu!