Cây chanh dây (chanh leo) có tốc độ phát triển nhanh mạnh, cho nhiều quả, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nhà đầu tư. Tuy nhiên để chanh dây ra nhiều hoa, đậu nhiều quả, năng suất cao cần chú ý đến các biện pháp thâm canh, kích thích ra hoa và hạn chế rụng trái cho chanh dây sau đây, cùng Kinh Bắc tìm hiểu rõ hơn nhé!
1. Chọn đất và khí hậu trồng chanh dây
Chanh dây tuy không kén đất nhưng tốt nhất nên trồng chanh dây trên đất thoát nước tốt, không ngập úng, có thành phần cơ giới nhẹ, pH hơi chua đến trung bình (pH 5,5 – 7). Chọn đất trồng chanh dây bằng phẳng, vùng trồng chanh dây nên có điều kiện tiểu khí hậu ấm áp (16 – 30oC), có nắng, hạn chế vùng có sương muối.
2. Độ ẩm đối với chanh dây
Chanh dây không ưa úng nhưng là cây cần độ ẩm cao để phát triển, ra hoa và tạo quả. Tưới nước 2 ngày một lần cho chanh dây, vào những ngày nắng nóng khô hanh nên tưới hằng ngày. Độ ẩm đảm bảo giúp chanh dây đâm nhiều chồi, nở nhiều hoa và liên tục cho trái.
>>>Xem thêm: Cách Kích Thích Ra Hoa Thụ Phấn Cho Cây Chanh Dây
3. Các nguyên nhân chanh dây không ra hoa
- Giống chanh dây không đạt tiêu chuẩn: Nên chọn mua giống của các thương hiệu uy tín hoặc đại lý phân phối giống uy tín.
- Đất trồng chanh dây quá chua: bổ sung thêm vôi hoặc chất cải tạo pH đất.
- Đất trồng chanh dây quá ẩm: cây phát triển mạnh thân lá, không phân hóa được mầm hoa. Vào các kỳ kích thích ra hoa nên điều chỉnh độ ẩm để cây phân hóa mầm hoa.
- Đất quá khô: cây phân hóa mầm hoa nhưng tỷ lệ đậu trái kém: Bổ sung nước bằng cách tưới hằng ngày cho chanh dây hoặc bổ sung thêm chất giữ ẩm.
- Đất thiếu quá nhiều vi lượng: bổ sung thêm vi lượng bằng cách bổ sung thêm phân chuồng, phun thêm phân bón lá vi lượng dạng Chelate, hoặc phun dịch rong biển…
- Bón phân đa lượng không cân đối: quá nhiều đạm hoặc thiếu lân cũng là nguyên nhân cây không phân hóa được mầm hoa. Nên chọn các loại phân có hàm lượng đạm, lân, kali cân đối như NPK 16-16-16+TE; vào giai đoạn trước khi cây ra hoa có thể bổ sung thêm lân bằng cách bón thêm phân DAP hoặc MAP, vào giai đoạn cây nuôi trái nên bón thêm phân Kali.
4. Biện pháp kích thích ra hoa cho chanh dây
– Bón đầy đủ lân và kali cho chanh dây 1 tháng trước khi chanh dây ra hoa, hạn chế bón nhiều đạm trong quá trình cây ra hoa tạo quả, cắt tỉa cây thường xuyên để cây ra hoa đậu quả.
– Kích thích chanh leo ra hoa: tạo khô hạn và kết hợp sử dụng hóa chất để phun cho chanh leo, hóa chất được sử dụng kích thích ra hoa cho chanh leo là Chlorormequat Chloride CCC. Sử dụng Chlorormequat Chloride CCC: Phun CCC ở nồng độ 500-1000 ppm (tương đương 10 – 20g/20L) lên toàn bộ cây chanh leo trước khi ra hoa.
– Ngưng tưới nước cho chanh leo trong vòng 5 – 7 ngày sau đó tưới đẫm hằng ngày đồng thời phun phân bón lá Kali Nitrat (KNO3) với nồng độ 150 – 200g/10 lít nước. Cung cấp nước đầy đủ cho chanh leo đến khi thu hoạch.
5. Hướng dẫn thụ phấn và biện pháp hạn chế chanh dây rụng trái non.
– Chanh dây nở hoa vào khoảng 11h sáng mỗi ngày nên chúng ta có thể thụ phấn nhân tạo kịp thời ngay sau khi cây ra hoa, việc thụ phấn được hoàn thành vào lúc 4 giờ chiều sẽ đem lại hiệu quả tối ưu nhất.
– Hướng dẫn thụ phấn cho chanh leo: sử dụng bàn chải có đầu lông mịn (bút lông) thoa đều phấn hoa đực và nhụy hoa của hoa cái. Thụ phấn nhân tạo có thể làm tăng tỷ lệ đậu trái, tăng năng suất và thu nhập. Chúng ta có thể nuôi ong trong vườn trồng chanh leo để ong thụ phấp cho chanh leo được hiệu quả hơn.
– Hoặc chúng ta có thể sử dụng bộ dưỡng hoa Kinh Bắc vào lúc cây ra hoa rộ.
– Sau khi đậu trái non cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng đạm, lân, kali (đặc biệt là kali), vi lượng (đặc biệt là bo và kẽm), độ ẩm để quả nhanh leo phát triển nhanh, to trái và thơm ngon.
Chúc bà con có những vụ mùa bội thu!