Kỹ Thuật Trồng Và Chăm Sóc Dưa Hấu Không Hạt

Dưa hấu không hạt là loại trái cây rất được ưa chuộng tại Việt Nam. Không chỉ thơm ngon, giàu Vitamin mà dưa hấu không hạt còn rất dễ ăn, phù hợp với nhiều người. Nếu bạn đang có nhu cầu trồng loại trái cây này cho ra chất lượng tốt, năng suất cao thì đừng bỏ lỡ những thông tin dưới đây. Bài viết của Kinh Bắc sẽ cung cấp tới bạn kỹ thuật trồng và chăm sóc dưa hấu không hạt hiệu quả do các nhà vườn chia sẻ.

1. Đặc điểm của dưa hấu không hạt

Dưa hấu là một loại thực vật thuộc họ bầu bí, tên khoa học là Citrullus Lanatus. Đây là loại trái cây quen thuộc tại các nước nhiệt đới như Việt Nam, có giá trị dinh dưỡng và thương mại cao. Dưa hấu không hạt còn được gọi là mặt trời đỏ, là giống dưa được cải tiến để giữ nguyên được hương vị và chất dinh dưỡng nhưng không còn hạt. Điều này giúp người dùng ăn dưa ngon miệng hơn, rất được người tiêu dùng ưa chuộng.

Dưa mặt trời đỏ có thời gian sinh trưởng từ 60 đến 62 ngày trong mùa nắng và 65 đến 67 ngày trong mùa mưa. Đây là loại cây dễ đậu trái, dễ trồng và chăm sóc, khả năng chống chịu bệnh tốt. Có thể trồng loại dưa không hạt này quanh năm và ở nhiều vùng khác nhau. Trái dưa hấu chính có dạng hình Oval, tròn, màu xanh nhạt với các sọc xanh đậm, độ đường là từ 12 đến 13.

Trong dưa hấu chứa nhiều chất dinh dưỡng như Vitamin, Magnesium, Potassium, đường Fructose. Hầu như ai cũng có thể ăn được dưa hấu không hạt, đặc biệt tốt cho những người bị bệnh về gan, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch… Với nhiều ưu thế về sức sinh trưởng nên giống cây này được người nông dân lựa chọn trồng quanh năm. Có thể sử dụng để ăn hàng ngày, bày ban thờ trong các dịp lễ Tết, mang đi biếu tặng…

2. Môi trường sống lý tưởng của dưa hấu không hạt

Dưa hấu mặt trời đỏ thích hợp trồng ở khu vực đất màu mỡ và có khả năng thoát nước tốt. Nên luân canh dưa hấu với các loại cây khác họ như bắp ngô hay lúa nước trong ít nhất 3 vụ. Tuyệt đối không trồng dưa hấu không hạt với các loại cây thuộc họ bầu bí hoặc trồng trên nền đất vừa trồng cây bầu bí ở vụ trước. Bạn nên nhặt sạch cỏ dại, phát hết tàn dư cây vị trước để dưa hấu phát triển tốt.

Cây dưa mặt trời đỏ là loài cây ưa nắng, trồng cây ở luống đông tây để có nhiều ánh sáng nhất có thể. Trước khi vào mùa trồng cây bạn có thể tiến hành bón phân sinh học như bộ dưỡng thân rễ, lá Kinh Bắc để đất màu mỡ hơn. Bón lót cho đất trồng cây dưa hấu xong thì nên phủ một lớp màng công nghiệp để giữ cho đất ẩm, tơi xốp, tránh để mưa rửa trôi chất dinh dưỡng.

Thời điểm thích hợp để trồng cây dưa hấu là vào mùa nắng. Mặc dù loài cây này có thể trồng quanh năm nhưng trồng vào mùa nắng cây sẽ dễ sinh trưởng và cho ra quả ngọt hơn. Ở các tỉnh phía Bắc, có thể gieo trồng dưa hấu mặt trời đỏ vào vụ từ tháng 2 – tháng 5, tháng 9 – tháng 12. Các tỉnh miền Trung và miền Nam thì có thể gieo vụ tháng 2 – tháng 5, tháng 10 – tháng 12 hoặc tháng 11 – tháng 1 năm sau.

3. Kỹ thuật trồng và chăm sóc dưa hấu không hạt cho năng suất cao

Cây dưa hấu không hạt là loại cây dễ chăm sóc, sinh trưởng tốt nhưng muốn cho ra năng suất cao thì phải có kỹ thuật trồng cây cơ bản.

3.1 Chuẩn bị hạt giống trồng dưa hấu không hạt

Lượng hạt giống dưa hấu không hạt cần dùng cho 1 ha đất là khoảng 0.5 g đến 1 kg. Bạn có thể tìm mua hạt giống cây tại các cửa hàng nông nghiệp hoặc chợ hạt giống. Phơi nắng nhẹ từ 1 đến 2 giờ cho hạt nguội hẳn rồ pha nước ấm với tỷ lệ 2 sôi : 3 lạnh và ngâm hạt giống trong 4 đến 5 giờ. Sau đó rửa sạch hết nhớt trên hạt, ủ hạt trong khăn ẩm từ 24 giờ đến 36 giờ. Duy trì nhiệt độ cho hạt giống khoảng 28 độ C đến 30 độ C để hạt nứt mầm.

3.2 Phương pháp trồng dưa hấu không hạt đạt tiêu chuẩn

Sau khi ngâm ủ hạt dưa hấu không hạt xong thì tiến hành gieo trồng. Bạn có thể gieo trực tiếp xuống các luống đất đã chuẩn bị bằng cách đục một lỗ sâu khoảng 10 cm, cho khoảng 2 – 3 hạt xuống và phủ đất bột hoặc tro trấu lên. Cách thứ 2 là gieo hạt vào bầu, các nhà vườn khuyến khích nên trồng hạt dưa mặt trời đỏ trong bầu vì sẽ chăm sóc cây con thuận lợi hơn.

Túi bầu được làm bằng nhựa, đường kính khoảng 10 cm, cao từ 10 đến 12 cm. Đất cho vào bầu bao gồm đất, trấu và phân chuồng theo tỷ lệ 6:1:4. Đem hạt giống đã nứt mầm gieo vào bầu theo hướng nằm ngang, để rễ quay xuống dưới, phủ một lớp đất mỏng và tưới nước để giữ độ ẩm. Nếu trồng dưa hấu vào mùa mưa thì cần có biện pháp che mưa để bảo vệ cây. Mùa nắng, sau khi cây con mọc trong bầu 1 tuần thì có thể trồng ra ngoài, mùa lạnh thì cần để cây con phát triển được 20 ngày.

Để đưa cây con ra khỏi túi bầu, bạn lấy vật sắc rạch một đường trên túi. Sau đó cho bầu đất vào lỗ đã đục sẵn trên luống, cho đất phủ lên. Không nên đào lỗ quá sâu và phải tưới nước đủ ẩm trong 3 ngày đầu. Sao khoảng 15 ngày cây sẽ mọc lên được 5 đến 6 lá và bắt đầu sinh trưởng nhanh.

Khoảng cách thích hợp để trồng dưa hấu trên luống là cứ 2.5 m có 1 cây, các luống cách nhau khoảng 0.5 m. Vì dưa hấu không hạt là loại cây leo nên cần có khoảng cách xa một chút để cây có không gian phát triển. Như vậy trên 1 ha đất có thể gieo trồng từ 6 500 cây đến 9 000 cây dưa hấu không hạt.

>>>Xem thêm: Những Lưu Ý Để Dưa Hấu Đạt Năng Suất Và Phẩm Chất Cao

3.3 Chăm sóc và bón phân cho cây dưa hấu bội thu

Khi cây dưa hấu không hạt đã ngả ngọn cần tỉa bớt nhánh để dây khỏe, giảm sâu bệnh và quang hợp tốt. Nếu mật độ trồng ít hơn 10 000 cây/ ha thì có thể để mỗi cây 2 nhánh, nhiều hơn con số này thì bạn nên cắt tỉa còn mỗi cây 1 nhánh. Thường xuyên tỉa nhánh, đặc biệt là nhánh gốc, nên cắt lúc trời nắng, cắt nhanh và dứt khoát. Khi dây đã bắt đầu dài ra thì phải lấy que tre ghim dây vào sát mặt đất để gió không làm dây bị lật lên. Chú ý trải rơm rạ để tua bám khi cây dưa hấu không hạt đã bắt đầu ngả ngọn.

Điểm khác biệt của dưa hấu không hạt với dưa hấu có hạt chính là bắt buộc phải thụ phấn. Bạn có thể thụ phấn bằng tay trong khoảng 6 giờ đến 9 giờ sáng. Thời điểm có thể tiến hành thụ phấn là khi cây đã trồng vào đất được 25 đến 30 ngày, dây dài khoảng 1.5 m. Cách làm là hãy ngắt hoa đực nở to, chấm đều phấn lên nhụy hoa cái. Tiếp tục làm như vậy khoảng 5 đến 7 ngày.

Mỗi dây dưa hấu chỉ nên để 1 quả, nên khi quả dưa hấu đã lớn như quả chanh thì cần định quả. Bạn hãy chọn quả dưa mặt trời đỏ có bầu to, cuống dài, không có dấu hiệu bị sâu bệnh. Sau khi định quả thì tỉa bỏ các quả khác, kê thêm rơm nếu dưa hấu mọc ở chỗ trũng.

Bón thúc cho cây dưa hấu sau khi đã trồng cây được khoảng 1 tuần đến 10 ngày. Cứ cách 5 ngày lại tưới một lần cho đến khi cây ra hoa. Sau khi thụ phấn lại tiếp tục bón thúc, 1 tuần tưới một lần và cần phải tưới tràn gốc. Trước khi thu hoạch khoảng 10 ngày thì bón phân NPK 16-9-21 thêm một lần nữa để quả ngọt hơn. Tưới nước cho dưa hấu không hạt phải tưới tràn vào rãnh thì mới đủ độ ẩm cây cần, đặc biệt là mùa hanh khô. Trước khi thu hoạch 5 ngày thì cần ngừng tưới nước.

3.3 Hướng dẫn thu hoạch và bảo quản dưa hấu không hạt

Sau khoảng 65 ngày đến 70 ngày từ khi trồng cây hoặc sau 25 ngày đến 30 ngày sau khi thụ phấn là có thể thu hoạch dưa hấu không hạt. Khi quả chín được 70% đến 80% thì tiến hành thu hoạch ngay để đảm bảo độ ngon ngọt nhất của trái. Cắt dưa hấu cần để lại cuống dài khoảng 10 cm và vận chuyển nhẹ nhàng. Nên dùng rơm rạ để lót cho dưa tránh bị dập nát. Quả dưa mặt trời đỏ đẹp có phần ruột đỏ mọng, thịt chắc và ngọt, trái nặng khoảng 3 kg – 5 kg. b

Bài viết trên đã giới thiệu tới bạn những thông tin cơ bản về dưa hấu không hạt. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp bạn có kỹ thuật trồng và chăm sóc loài cây này tốt hơn.

Chúc bà con có những vụ mùa bội thu!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *