Theo các nghiên cứu đánh giá về cây sầu riêng từ khi ra hoa xổ nhuỵ đến khi chín thu hoạch sẽ có 5 giai đoạn, mỗi giai đoạn sẽ có đặc tính sinh lý, sinh hoá khác nhau. Vì vậy để đạt hiệu quả cao nhất cần có cách chăm bón phù hợp. Cùng Kinh Bắc tìm hiểu nhé!
– Giai đoạn 1: Xiết nước – tạo khô hạn kích thích cây ra bông
Sầu riêng thuộc loại cây cảm quang sẽ không phản ứng ra hoa với điều kiện ngày dài hay ngày ngắn. Với điều kiện thời tiết lạnh, hanh khô cùng việc tạo khô hạn (xiết nước) sẽ tạo môi trường lý tưởng cho cây phân hóa mầm hoa thuận lợi.
Sầu riêng khi vào vụ làm trái thì việc ngưng tưới nước là cần thiết. Công tác xiết nước sẽ kéo dài từ khi xử lý mầm hoa đến khi mắt cua hoàn chỉnh, sáng rõ tầm 1 – 1,5 tháng.
Khi mắt cua phát triển hoàn chỉnh (2 – 3cm) thì tưới nước nhẹ trở lại, đồng thời bổ sung thêm dinh dưỡng là phân đạm cá, NPK 3 số đều để cây kịp phát triển thêm cơi đọt mới trước xổ nhụy và nuôi bông được to khỏe.
– Giai đoạn 2: Thụ phấn – thụ tinh (xổ nhụy)
Đây là giai đoạn quyết định tỷ lệ đậu trái, trái tròn đều hay méo mó, móc câu,… Trong giai đoạn này cần lưu ý để thụ tinh tốt thì hạt phấn cần phải khoẻ mạnh. Tránh tưới nước nhiều sẽ làm cho hạt phấn mất sức nảy mầm, không thể phát triển được. Ở thời kỳ thụ phấn, thụ tinh cây cần nhiều nguyên tố Bo, Canxi, Nitrat, Magie,… để khi ống phấn được tạo ra thì vách tế bào dễ phát triển.
– Giai đoạn 3: Phân chia tế bào của trái non (từ khi đậu trái đến khi trái bắt đầu lớn nhanh)
Giai đoạn này diễn ra trung bình trong vòng 2 tháng. Ở giai đoạn này trái chưa hoàn thiện, khi bổ ra chỉ thấy chủ yếu là vỏ và lõi, phần thịt trái và hạt chưa phát triển. Nhưng thật ra tế bào phân chia để hình thành thịt trái và hạt đã được thực hiện ở giai đoạn này. Vì vậy giai đoạn này là yếu tố quyết định cho năng suất của cây sầu riêng. Nếu ở giai đoạn này trái phát triển không bình thường, sự phân chia tế bào không nhiều thì trái sẽ không lớn được. Để cho trái có sự phân chia tế bào tối ưu cần thực hiện các công tác sau:
Tỉa trái sớm – Khi trái đậu nếu nhiều quá và những trái không đạt yêu cầu thì cần phải tỉa bỏ ngay để tránh cạnh tranh dinh dưỡng về sau.
Sau khi đậu trái cần bón phân NPK có tỷ lệ bằng nhau để cây hình thành tế bào hoặc NPK có Kali cao để hạn chế đi đọt non.
Giai đoạn này trái non hay rụng nhiều, để hạn chế tình trạng trên cần phun chất điều hoà sinh trưởng để trái không phát triển tầng rời, tránh tình trạng tháo khớp.
Nếu vườn thiếu ánh sáng mặt trời cần xén tỉa trong tán, để quá trình phân chia tế bào được diễn ra tốt hơn.
– Giai đoạn 4: Giãn nở tế bào (từ khi trái bắt đầu lớn nhanh đến khi đạt kích thước ổn định)
Ở giai đoạn này trái sầu riêng lớn nhanh về kích thước, có thể đạt đến 2 đến 3Kg tuỳ giống. Đây chính là giai đoạn quyết định kích cỡ trái. Giai đoạn này cũng cần các bước chăm sóc đúng như sau:
Tỉa trái thêm 1 lần nữa. Loại bỏ những trái không đạt, một chùm nhiều trái gây cạnh tranh dinh dưỡng.
2 tuần đầu cần cung cấp đủ nước để tế bào phát triển. Đồng thời cần bón đủ Kali, vì Kali giúp tăng tính thẩm thấu của tế bào, hỗ trợ việc giãn nở tế bào giúp trái đạt kích cỡ tối đa.
– Giai đoạn 5: Trái trưởng thành (Trái sầu riêng đã đạt đủ kích thước nhất định)
Giai đoạn này trái đã đạt đủ kích thước và bắt đầu chuyển qua chín sinh lý. Chất lượng của trái sầu riêng phụ thuộc hết vào giai đoạn này. Vì vậy cần lưu ý hiện tượng sượng trái, tức là phần cơm sầu riêng bị sơ cứng hoặc nhão cơm, (nhão cơm xuất hiện khi mưa dầm – cây úng nước) dẫn đến giá sầu riêng bị giảm mạnh. Để tránh các hiện tượng trên cần thực hiện:
Bón Kali để giúp trái chín đều đồng loạt giảm.
Cần thực hiện thu hoạch đúng độ chín.
Lựa chọn các phân bón có hàm lượng Kali cao sẽ giúp trái chín đều đồng loạt giảm.
So với các loại cây ăn quả khác, sầu riêng có nhu cầu dinh dưỡng khá cao và đòi hỏi nông dân phải am hiểu về kỹ thuật. Giai đoạn từ xổ nhụy đến trái trưởng thành rất quan trọng vì sẽ quyết định năng suất, chất lượng giá bán của cả một vụ. Giai đoạn này chỉ cần nguồn nước và dinh dưỡng không đủ hoặc bất hợp lí cây sẽ bị hiện tượng rụng trái non hay sượng múi. Chúc bà con thành công!