1. Chăm sóc cho hồ tiêu:
– Che nắng tiêu non: khi tiêu mới trồng ta nên sử dụng cỏ, rác, lá dừa,… che nắng và gió giúp hạn chế việc tiêu mất nước và bị cháy nắng.
– Trồng dặm: sau khi trồng 3 tuần, ta cần kiểm tra loại bỏ những cây chết và trồng dặm để cây phát triển đồng đều với những cây trồng trước đó.
– Làm cỏ xới xáo: làm cỏ sạch quanh gốc và giữa các hàng tiêu. Không xới vào trong gốc tiêu và nên xới cách gốc 50 – 60 cm. Mùa mưa cần tránh xới xáo vì dễ làm rễ tổn thương giúp mầm bệnh xâm nhập vào làm chết tiêu.
– Xén tỉa tạo hình:
Sau khi cây hồ tiêu leo lên cao, ta cần dùng loại dây mềm (dây nhựa, nylon) buộc vào cây nọc. Tránh dùng các loại dây dễ bị mục vì nó làm cho phần thân tiêu nơi buộc dây dễ bị mầm bệnh tấn công.
Khi tiêu leo lên cao khoảng 60 – 80 cm mà vẫn chưa mọc cành ngang thì nên tiến hành bấm ngọn hoặc đôn dây.
Sử dụng cành vượt các cấp làm bộ khung thân chính đều đặn quanh nọc.
Trong các năm 1 – 2 có thể có một số cành ác ra hoa cần xén bỏ để tập trung dinh dưỡng cho bộ khung chính sinh trưởng mạnh.
– Tủ gốc: giữ ẩm trong mùa nắng bằng các loại rơm rạ, cỏ khô,… Đề phòng mối và cháy. Tủ cách gốc 10 – 20 cm.
2. Tưới nước và chống úng cho tiêu:
Trong mùa nắng cần thường xuyên tưới nước nhưng không thừa nước, kết hợp với các biện pháp che nắng, giữ ẩm cho tiêu bằng rơm rạ,…. để chăm sóc cây hồ tiêu. Trong thời kỳ thu hoạch và sau thu hoạch, việc tưới nước cho tiêu có khác hơn. Trong khoảng thời gian này, chỉ tưới nước đủ cho cây sống qua mùa khô để bước vào mùa mưa. Nếu tưới nước quá nhiều, cây sẽ cho năng suất thấp.
Cần làm rãnh nước giữa 2 hàng tiêu trong mùa mưa để chống úng. Đây là công việc hết sức quan trọng nhằm đảm bảo cho vườn tiêu tồn tại lâu dài.
– Xén tỉa cây nọc sống:
Cần xén tỉa cây nọc sống khoảng 3 lần trong mùa mưa để cây tiêu dễ hấp thụ ánh sáng.
Trong mùa khô không được tỉa cây, ta nên dùng biện pháp tủ gốc tích cực có thể tiết kiệm được lượng nước tưới quan trọng.
3. Cách bón phân hóa học cho tiêu:
– Bón khi đất đủ ẩm.
– Rải đều phân lên mặt đất xung quanh tán tiêu.
– Dùng cuốc xẻng xăm xới nhẹ để vùi phân vào đất (tránh làm tổn hại bộ rễ tiêu).
– Nếu không mưa phải tưới nhẹ cho phân tan.
– Sử dụng phân bón lá cho cây tiêu.
Hàng năm ta nên phun phân bón lá cho tiêu 2 – 3 lần, phun vào mùa mưa, chọn phun vào trời mát. Chú ý nên phun đúng liều trên bao bì. Nếu liều lượng quá cao sẽ có hiện tượng cháy lá, rụng quả, rụng gié. Nên dùng các loại phân có chứa vi lượng Zn, Bo để làm tăng tỷ lệ đậu quả, giảm rụng chùm quả (gié).
>>>Xem thêm: Rửa Vườn Và Phục Hồi Cho Cây Tiêu Sau Thu Hoạch
4. Kỹ thuật bón phân chuồng cho tiêu
Phân chuồng là không thể thiếu nếu muốn tiêu phát triển bền vững và khỏe mạnh, một số bà con sử dụng thuần phân hóa học, trong những năm đầu cây cho năng suất cao nhưng càng về sau cây càng yếu dần, do bị kiệt sức.
Liều lượng bón phân chuồng là 25 – 30kg / trụ / năm, khi bón cần đào rãnh quanh tán tiêu, trộn thêm 0,5 – 1kg phân vi sinh, để tăng hiệu quả. Đồng thời phần nào hạn chế bệnh tuyến trùng do trong phân vi sinh có một số loài đối kháng với tuyến trùng.
Rãnh đào sâu 15 – 20cm, rộng 10 – 15cm. Cách tán tiêu 10 – 15cm. Khi bón phân xong cần lấp rãnh lại.
Lưu ý: Chỉ dùng phân chuồng đã ủ hoai mục, không bón phân chưa hoai, có thể làm chết cây.
5. Bón vôi cho vườn tiêu
Mỗi hecta tiêu hàng năm cần bón thêm 500kg vôi, chia đều cho số trụ tiêu, vôi có thể rải trên mặt đất xung quanh trụ tiêu, hoặc ủ với phân chuồng trước rồi bón chung.
Nhu cầu dinh dưỡng cho cây tiêu:
Nhu cầu dinh dưỡng của cây tiêu khá cao. Tới năm thứ 3 sau trồng, cây cần nhiều nhất là N, sau đó đến K rồi mới đến P, vôi, ma giê và các chất khoáng khác.
5. Thời điểm bón phân hóa học cho tiêu:
Năm đầu mới trồng tiêu và năm thứ 2 cây chưa ra hoa, theo các tin tức nông sản ta chia thành 2 lần bón, bón vào đầu mùa mưa và trước khi kết thúc mùa mua 1,5 – 2 tháng.
Từ năm thứ 3 về sau. Ta chia thành 3 lần bón vào lúc: Sau thu hoạch, giai đoạn ra hoa và giai đoạn nuôi quả.
Trên đây là toàn bộ những thông tin về cách bón phân và chăm sóc đúng cách giúp cho hồ tiêu tăng sức đề kháng mà Kinh Bắc muốn gửi đến bà con. Hy vọng những chia sẻ sẽ mang lại những thông tin hữu ích cho bà con. Chúc bà con thành công!