Vào mùa mưa, điều kiện thời tiết ẩm ướt đã tạo môi trường thuận lợi cho nhiều loài nấm bệnh phát sinh gây hại cây trồng, trong đó đốm rong là bệnh không chỉ gây hại trên cây sầu riêng mà còn nhiều cây trồng khác. Hãy cùng Kinh Bắc tìm hiểu thêm thông qua bài viết dưới đây nhé.
Nguyên nhân của bệnh đốm rong trên sầu riêng là do nấm Cephaleuros virescens gây ra.
1. Triệu chứng của bệnh trên cây sầu riêng:
+ Thông thường, bệnh sẽ tấn công trên lá ở các vườn sầu riêng chăm sóc không tốt. Vết bệnh có hình tròn màu gạch tôm, đỏ nâu hay xanh xám, đường kính khoảng từ 0,2 – 1,0 cm và hơi nhô lên, nếu nhìn kỹ thấy nhiều sợi tơ trên vết bệnh xuất hiện ở mặt trên của lá. Vết bệnh sẽ lan rộng nhanh khi gặp điều kiện thời tiết thích hợp. Mô lá ở mặt dưới của vết bệnh bị hoại tử và có những sợi tảo màu nâu đỏ mọc xuyên qua. Khi bệnh nặng thì các đốm bệnh sẽ xuất hiện dày đặc hơn, bệnh gây hại mạnh ở lá trưởng thành. Nấm gây bệnh sẽ hút dinh dưỡng và làm lá kém phát triển, giảm quang hợp.
+ Bệnh còn tấn công trên cành cây, cũng tương tự như trên lá, vết bệnh là những chấm nhỏ hình tròn hoặc hình bầu dục màu xanh, sau đó chúng lớn dần và phát triển thành từng mảng. Vết bệnh hình tròn có lớp tơ màu xanh rêu, ở giữa có màu đỏ nâu. Nếu bệnh nặng, các đốm rong có thể lan lên nhánh và cả trái. Nấm bệnh làm cành non khô, bị nứt ra, vị trí nứt này sẽ dễ nhiễm các loại nấm khác, đặc biệt là nấm Phytophthora palmivora trong mùa mưa.
2. Điều kiện làm phát sinh bệnh trên vườn:
+ Điều kiện thời tiết thay đổi thất thường.
+ Vườn sầu riêng chăm sóc kém: thiếu ánh sáng, rậm rạp, kém thông thoáng,…
+ Mưa gió kéo dài, mưa càng nhiều bệnh càng nặng.
+ Ngoài ra, tuổi cây cũng ảnh hưởng đến khả năng nhiễm bệnh, cây càng lớn tuổi càng dễ mắc bệnh.
+ Vào giai đoạn trước thu hoạch và sau thu hoạch, khi sức đề kháng của cây suy yếu càng dễ bị nấm bệnh tấn công.
>>>Xem thêm: Quản Lý Sâu Bệnh Hại Trong Giai Đoạn Nuôi Trái Sầu Riêng
3. Biện pháp quản lý:
Trồng cây ở mật độ thích hợp, tỉa cành tạo tán thông thoáng cho vườn, tỉa bỏ và tiêu hủy các cành bị bệnh, cành nằm trong tán.
Chăm sóc cây khỏe, cung cấp đủ nước và chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng.
Thường xuyên thăm vườn để sớm phát hiện bệnh và có biện pháp phòng trừ kịp thời.
Vào mùa mưa, cần có biện pháp thoát nước tốt cho vườn như: đắp mô, đào rãnh thoát nước,…
Sau khi thu hoạch nên tiến hành rửa vườn để rửa sạch các bào tử nấm bệnh, nguồn bệnh trong vườn.
Sử dụng thuốc gốc đồng, gốc lưu huỳnh, Mancozeb, …theo đúng liều lượng khuyến cáo trên bao bì để phun phòng trị bệnh kịp thời trên lá. Nếu bệnh trên thân, cành có thể sử dụng thuốc gốc Đồng pha đậm đặc quét lên thân, cành.
Có thể quét vôi lên gốc thân vào đầu và cuối mùa mưa để phòng bệnh cho những vườn thường xuyên bị nhiễm bệnh.
Chúc bà con thành công!