Việt Nam là quốc gia nằm ở khu vực Đông Nam Á, nơi có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển cây ăn trái với các loại trái cây phổ biến như xoài, cam, bưởi da xanh, quýt…. Tuy nhiên, để cây ăn trái phát triển tốt, cho năng suất cao với hương vị và chất lượng thơm ngon, bà con nông dân cần cần chú ý chăm sóc và dưỡng cây trong tất cả các giai đoạn từ lúc cây ra trái non, khi cây nuôi quả lớn cho đến lúc thu hoạch theo quy trình như sau:
1. Chăm sóc
– Sau mỗi vụ thu hoạch, bà con cần cắt tỉa cành, tạo tán nhằm giúp cho cây tập trung dinh dưỡng nuôi trái. Trong đó, bà con cần tiến hành cắt bỏ các cành bị sâu, cành bệnh, cành vượt. Để thuận lợi cho việc cắt tỉa, bà con nên chọn ngày nắng ráo để cắt tỉa, sau đó thu dọn sạch vườn để mầm bệnh không lây lan. Ngoài ra, việc cắt tỉa định kỳ hàng tháng sẽ giúp vườn thông thoáng, giảm sâu bệnh gây hại.
– Bà con cũng nên thường xuyên làm sạch cỏ quanh gốc theo hình chiếu của tán cây, việc này giúp hạn chế việc cạnh tranh dinh dưỡng, trú ngụ, hay xâm nhập của sâu bệnh. Phần cỏ còn lại trong vườn bà con cần giữ lại với mục đích giữ ẩm cho vườn, chống xói mòn và rửa trôi đất. Nếu cỏ quá cao, bà con có thể dùng máy cắt ngắn, trả lại phân xanh cho đất.
– Có 1 điều quan trọng là cây ăn trái ưa ẩm nhưng không chịu úng vì vậy vào mùa khô, bà con cần tưới nước bổ sung nhằm đảm bảo độ ẩm của đất đạt từ 60-70%. Vào mùa mưa cần chú ý thoát nước kịp thời, tránh để cho vườn bị đọng nước quá 2 ngày vì khi nước đọng lâu, cây sẽ bị thối rễ tơ.
2. Bón phân, chăm sóc và dưỡng trái
Những thời điểm nên bón phân cho cây để cây luôn đủ dinh dưỡng:
– Bón sau thu hoạch: Bà con cần bón phân chuồng với khối lượng lớn sau thu hoạch từ 5 – 7 ngày. Bởi đây là lúc cây cần lấy lại sức sau thời gian dài nuôi trái và chuẩn bị sức khỏe cho vụ mang trái tiếp theo.
– Bón trước khi ra hoa 4 tuần: Thời điểm này cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng bao gồm cả đa, trung và vi lượng cho cây để cây có sức khỏe tốt nhất, sung nhất.
– Bón sau khi đậu trái 3 – 4 tuần: Thời điểm này bà con cũng cung cấp đầy đủ các dinh dưỡng thiết yếu cho cây để cây nuôi trái. Nhưng hạn chế lượng đạm.
– Bón sau khi đậu quả 3 tháng: Thời điểm này bà con cũng bón đầy đủ dinh dưỡng đa, trung, vi lượng cho cây với lượng phù hợp.
– Bón trước khi thu hoạch 2 tháng: Thời điểm này chủ yếu bón kali và trung vi lượng để giúp trái ngọt thơm.
Lưu ý: Trong quá trình nuôi cây chăm trái, ngoài việc cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu trên, bà con cần phải bổ sung Amino acid cho cây. Bởi đây là thành tố có vai trò cực kỳ quan trọng với cây trồng đặc biệt trong giai đoạn làm hoa nuôi trái. Amino acid cho cây cũng quan trọng như sắt cho phụ nữ mang thai. Do đó cần được bổ sung thường xuyên.
3. Phòng trừ sâu bệnh để chăm sóc và dưỡng trái
– Phòng trừ Sâu
Sâu đục cành, thân, gốc:
Trưởng thành sâu đục cành là con xén tóc màu xanh, trưởng thành sâu đục thân là con xén tóc màu nâu, trưởng thành sâu đục gốc là con xén tóc hoa. Trưởng thành đẻ trứng từ tháng 5 đến tháng 6. Trứng đẻ vào nách lá ngọn, cành tăm, vỏ, khe nứt của thân, gốc sau đó đục vào trong ngọn, cành, thân, gốc. Sâu gây hại trong đó 8 đến 10 tháng làm cây sinh trưởng kém, lá vàng dần, năng suất giảm, khi sâu hại nặng có thể làm cây chết.
Biện pháp phòng trừ: Vào tháng 2 hàng năm, bà con cần tiến hành quét vôi quanh thân, gốc cây để hạn chế xén tóc đẻ trứng. Tháng 4-6, bà con cần bắt diệt xén tóc vào sáng sớm và chiều tối. Bà con dùng gai mây hoặc dây sắt luồn vào lỗ đục để tiêu diệt sâu non. Bên cạnh đó, bà con nên tỉa cành thường xuyên để cành thông thoáng; cắt cành mới héo do sâu đục cành gây ra. Dùng xi lanh bơm nước thuốc trừ sâu sinh học hoặc dùng bông thấm nước thuốc nhét vào lỗ đục, sau đó lấy đất thịt bịt kín lỗ đục lại. Đối với những cây bị hại quá nặng thì bà con cần cưa tận gốc.
Ruồi vàng đục quả:
Ruồi vàng gây hại quả giai đoạn từ khi quả chuyển hóa đường đến chín, hại nặng chủ yếu vào cuối tháng 10 đầu tháng 11. Sâu non của ruồi vàng là dạng dòi. Dòi đục ăn thịt trái làm trái bị thối, rụng sớm.
Biện pháp phòng trừ: Bà con cần đốn tỉa cành, nhằm tạo cho vườn thông thoáng. Thu hoạch quả chín kịp thời. Thu nhặt quả bị hại đem chôn với vôi để hạn chế mầm bệnh lây lan. Ngoài ra, bà con nên dùng các loại bẫy bả để diệt ruồi trưởng thành, tiến hành bao trái, choàng lưới xung quanh vườn.
– Phòng trừ bệnh
Bệnh nứt thân chảy nhựa:
Đây là loại bệnh do nấm gây ra, thường hại ở phần gốc sát mặt đất. Đặc biệt là ở những vườn cây rậm rạp, ít ánh sáng. Bệnh phát sinh gây hại nặng vào mùa mưa. Đối với những vườn bị úng nước, bón phân mất cân đối, cây bị hại nặng hơn. Bệnh làm cho cây sinh trưởng chậm, làm giảm năng suất, cây suy yếu và chết.
Biện pháp phòng trừ: Bà con cần thoát nước tốt cho vườn cây. Bên cạnh đó cũng cần tỉa cành, tạo tán cho vườn cây thông thoáng. Ở vùng bị bệnh, bà con dùng dao cạo sạch phần vỏ quanh vết bệnh, cạo đến phần gỗ. Sau đó, sử dụng thuốc Vắc xin kết hợp với Siêu đồng pha đậm đặc quét lên vết bệnh vừa cạo, quét 2-3 lần cách nhau 3-5 ngày. Sau khi quét thuốc vào vết vừa cạo, bà con pha loãng thuốc theo hướng dẫn trên rồi phun lên cây để diệt nấm.
Bệnh vàng lá thối rễ:
Bệnh này do 3 loại nấm gây ra là nấm Fusarium, Pythium và Phytophthora, và có thể cả tuyến trùng gây ra. Bệnh hại nặng trong mùa mưa, đặc biệt là ở những vườn thoát nước kém, bởi vì trong điều kiện thừa nước, cây sẽ bị thối rễ và vì thế nấm bệnh dễ dàng xâm nhập. Ngoài ra, bệnh còn do đất trồng bón nhiều phân hóa học, ít bón vôi, độ pH của đất thấp làm cho nấm bệnh phát triển mạnh. Bệnh hại làm cây sinh trưởng kém, giảm năng suất, chất lượng, bệnh hại nặng làm chết cây.
Để trừ bệnh vàng lá thối rễ là rất khó khăn, tốn kém và mất rất nhiều thời gian thì cây mới có thể phục hồi. Vì vậy phải chú ý thực hiện tốt các biện pháp phòng, trừ bệnh như sau:
Biện pháp phòng bệnh: Bà con cần chọn cây giống khỏe, sạch bệnh, lưu ý thoát nước tốt cho vườn cây. Bên cạnh đó cần tỉa cành, tạo tán làm cho vườn cây thông thoáng. Kết hợp bón vôi vào đầu mùa mưa để sát khuẩn, ngăn ngừa nấm bệnh và nâng độ pH của đất giúp cây sinh trưởng phát triển tốt. Hàng năm, bà con cần sử dụng phân hữu cơ hoai mục kết hợp với nấm đối kháng Trichoderma để bón cho cây từ 3-4 lần nhằm tăng sinh khối vi sinh vật có ích, giúp đối kháng và tiêu diệt các loài nấm bệnh lưu tồn trong đất.
Biện pháp trừ bệnh: Bà con nên thường xuyên thăm vườn để phát hiện sớm cây bị bệnh và thực hiện các bước như sau:
Bước 1: Bà con cần làm mọi cách để cho vườn được khô ráo.
Bước 2: Bà con xới nhẹ gốc, đào phần đất đã lấp cổ rễ, để cổ rễ nằm thoáng trên mặt đất và dễ dàng tiếp xúc khi xử lý với thuốc, bà con cần cắt rễ bị thối và cành lá vàng và loại bỏ khỏi vườn để mầm bệnh không lây lan.
Bước 3: Bà con cần sử dụng Bộ giải pháp chăm sóc đất, bảo vệ rễ và tưới xung quanh gốc 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 7-10 ngày, Bộ giải giáp sẽ giúp tiêu diệt triệt để chứng vàng lá thối rễ chỉ sau 2 lần tưới; đồng thời còn giúp ngăn chặn sự tấn công trở lại của nấm bệnh; kích thích hệ rễ mới mập mạp và chắc khỏe. Cùng với việc tưới thuốc trừ bệnh, bà con có thể cung cấp dinh dưỡng cho cây qua lá để giúp cây nhanh hồi phục.
Bước 4: Sau tưới thuốc trừ nấm bệnh lần cuối ít nhất 20 ngày, bà con dùng phân bón hữu cơ Organ Max tưới hoặc rải thẳng vào khu vực rễ quanh gốc với liều lượng khoảng 50gr/gốc để giúp rễ mau phục hồi.
Như vậy, Kinh Bắc vừa chia sẽ đến bà con các chăm sóc và dưỡng trái cho cây ăn trái. Bên cạnh đó, bà con cũng cần lưu ý phòng trừ nấm bệnh hại cây trồng trong mùa mưa. Bằng những cách này, cây sẽ phát triển tốt cho năng suất cao, quả thu hoạch được có chất lượng và mẫu mã tốt nhằm tăng khả năng cạnh tranh và tạo ra những cơ hội đưa nông sản Việt Nam vươn tầm thế giới.
Chúc bà con có những vụ mùa bội thu!