Cây mãng cầu xiêm hay còn được gọi là mãng cầu gai là loại cây cho năng suất cao, dễ trồng và dễ chăm sóc. Cây sống và phát triển tốt ở những vùng có độ ẩm cao và nhiệt độ không quá lạnh rất phù hợp với khí hậu nhiệt đới ẩm. Chỉ cần chăm chỉ áp dụng một số kĩ thuật sau đây thì bà con sẽ sở hữu một vườn cây mãng cầu có năng suất vượt trội, quả to và đồng đều cho hiệu quả kinh tế cao trong vườn nhà.
I. Những điều cần biết về cây mãng cầu xiêm
1. Thời vụ
Bà con có thể trồng mãng cầu xiêm quanh năm, nhưng nên trồng vào đầu mùa mưa từ tháng 4 – 5 dương lịch để tiết kiệm nước tưới tiêu giai đoạn đầu.
2. Điều kiện sinh trưởng
– Mãng cầu xiêm hay còn gọi là mãng cầu gai, na gai, na Xiêm. Điều kiện sinh trưởng của giống cây này như sau:
+ Nhiệt độ: từ 25 – 32 độ C. Không chịu được thời tiết lạnh. Tuy nhiên na gai lại phát triển tốt khi có mưa nhiều, độ ẩm cao.
+ Ánh sáng: Là cây ưa sáng, cây được chiếu ánh nắng nhiều sẽ cho năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt.
+ Đất đai: Thích nghi được với nhiều loại đất khác nhau nhưng khả năng chịu úng kém. Độ pH từ 4,5 – 6,5. Cây giống ghép gốc bình bát có thể trồng và sinh trưởng ở những nơi ngập úng, nhiễm phèn và mặn.
3. Chọn giống
Công tác giống ở nước ta chưa được phát triển phổ biến. Do đó để bắt đầu trồng mãng cầu xiêm, bà con có thể chọn hạt giống từ cây mẹ có đặc điểm: cho nhiều trái, hình thù đẹp, đều trái, tỉ lệ cơm nhiều, múi thơm. Sau đó chọn một quả già để lấy hạt ươm giống.
Ngoài ươm hạt giống, bà con cũng có thể mua cây ghép hoặc chiết cành về trồng. Tuy nhiên cần tuyển chọn cây tốt, không có sâu bệnh hại, lá không bị dập nát.
Còn nếu những vùng đất nhiễm mặn, nước thường xuyên dâng cao, ngập úng thì nên ghép gốc bình bát. Như vậy cây sẽ thích nghi tốt với các loại đất phèn, hạn, ngập úng. Đồng thời phương pháp này cũng giúp cây sinh trưởng tốt, cho nhiều trái, thời gian thu trái lâu hơn.
4. Yêu cầu về mật độ
Tùy vào đặc thù, diện tích vườn trồng, bà con có thể trồng cây mãng cầu gai xen canh hoặc chuyên canh.
+ Trồng xen canh: có thể trồng hai bên mé mương nơi có nhiều ánh sáng chiếu và tùy thuộc vào cây chính trong vườn.
+ Trồng chuyên canh: trồng theo hàng hoặc trồng theo kiểu nanh sấu: 3m x 3m. Trung bình từ 750 – 1.000 cây/ha.
II. Chuẩn bị trồng cây mãng cầu xiêm
1. Đất trồng
Mãng cầu gai có thể thích nghi được với nhiều loại đất khác nhau như đất phèn, phù sa ven sông, đất bãi bồi nhưng bà con cần chú ý độ pH từ 4,5 – 6,5.
Hố đất trồng cần được đánh tơi xốp, tạo thành các mô đất rộng từ 40 – 60cm cao từ 25 – 30cm.
Tiến hành chuẩn bị đất trước 5 – 7 ngày để có thời gian phơi ải, diệt trừ sâu bệnh. Đồng thời bón vôi bột và bón lót phân chuồng hoai mục 2 – 3kg + phân lân 200g mỗi hố để cải tạo, bổ sung dinh dưỡng cho đất.
2. Cách trồng mãng cầu xiêm
Đặt cây ghép gốc bình bát xuống hồ đất sau đó vùi đất thịt xung quanh chắc chắn sau đó tươm đẫm nước cho cây.
Đối với cây ươm bằng bầu, tháo bầu nhẹ nhàng, đặt chính giữa gốc, lấp đất xung quanh tạo thành một mô đất cao 10cm. Mỗi năm sẽ tiến hành bồi mô theo bán kính của tán lá.
3. Kỹ thuật trồng cây mãng cầu xiêm
a. Cách trồng
– Đào một hốc nhỏ ở chính giữa hố, rạch bỏ túi bầu ni lon và đặt bầu cây vào giữa hố, lấp đất vừa bằng cổ rễ, nén chặt xung quanh.
– Tiếp đến phải cắm 2 cọc chéo chữ X vào cây và buộc để tránh lay gốc làm chết cây.
– Sau trồng 1 tháng cây ổn định, rạch nilon ở vết ghép để cây sinh trưởng, phát triển.
b. Bón phân
– Bón lót:
+ Sử dụng: 10 – 15kg phân chuồng hoai mục + 0,5kg phân lân đã nung chảy + 0,5kg Tinh vôi bột để bón vào mỗi hố trồng.
– Bón thúc:
+ Năm đầu bón 10kg phân chuồng + 0,2 kg NPK 16-16-8/cây
+ Năm thứ hai bón 10kg phân chuồng + 0,5 kg NPK 16-16-8/cây
+ Năm thứ ba bón 15 kg phân chuồng + 0,7 kg NPK 20-20-15/cây.
+ Các năm sau mỗi năm tăng lên 0,3kg và đến năm thứ 9 thì không tăng nữa.
c. Tỉa cành, tạo tán
Trong kỹ thuật trồng cây mãng cầu xiêm, muốn cho nhiều trái, năng suất vượt trội, bà con cần tỉa cành, tạo tán theo độ tuổi của cây.
Thời kỳ đầu khi chưa ra trái: cắt tỉa tạo bộ khung và định hình tán cho cây. Mỗi cây chỉ nên để từ 3 – 4 cành.
Tiếp tục khi mỗi cành phát triển, bà con bấm ngọn để tạo tán cấp 1, tán cấp 2, 3 giống ngư trong kỹ thuật trồng bưởi da xanh. Việc tỉa bớt cành và tạo tán sẽ giúp tập rung dinh dưỡng vào bộ cành lớn của cây, kích thích ra nhiều quả, dễ thu hái.
>>>Xem thêm: Các Biện Pháp Nâng Cao Năng Suất Mãng Cầu Xiêm
d. Tưới nước
Mãng cầu ta tuy sống ở nhiệt độ cao, khả năng chịu hạn tốt nhưng để cây sai nhiều trái cần tưới đủ nước. Nếu trồng vào đầu mùa mưa, bà con không cần tưới quá nhiều. Tháng mùa khô, tưới mỗi ngày một lần khi cây chưa ra trái.
Chú ý khi cây đang mang trái non cần tưới đủ nước, nếu thiếu nước cây sẽ bị rụng lá và rụng trái, quả nhỏ. Thời điểm ra trái nếu vào mùa khô thì tưới 2 – 3 lần/tuần.
Nếu trồng mãng cầu gai ghép gốc bình bát thì bà con có thể sử dụng nước ở độ mặn dưới 11‰ để tưới cho cây. Nhìn chung, đây là loại cây ăn quả khá dễ tính.
e. Thụ phấn
Rất nhiều bà con trồng và chăm sóc cây mãng cầu xiêm rất đúng kỹ thuật, ra nhiều hoa nhưng tỉ lệ đậu trái rất thấp. Đấy là nhược điểm ở hầu hết các vườn trồng. Do đó, bà con cần tiến hành thụ phấn bổ sung cho hoa theo phương thức thủ công để tăng tỉ lệ đậu quả.
f. Bao trái mãng cầu xiêm
Tiến hành bao trái cho mãng cầu xiêm khi đậu quả được từ 1 – 2 tháng. Bao trái vừa để ngăn các loại sâu bệnh tấn công vừa giúp hạn chế ảnh hưởng của thuốc trừ sâu đối với quả để bà con nông dân có thể thu được trái sạch, an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn nông nghiệp đầu ra, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Từ đó mang lại giá trị kinh tế cao.
Bà con có thể dùng túi nilon hoặc mua túi bao trái mãng cầu gai ngoài thị trường. Túi mua bên ngoài không làm trái bị đổ mồ hôi, giữ độ thông thoáng, đồng thời bảo vệ quả khỏi tia cực tím.
g. Phòng trừ dịch bệnh gây hại
Cây mãng cầu xiêm tuy dễ trồng và chăm sóc nhưng cũng bị một số sâu bệnh gây hại tàn phá làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng. Do đó, bà con cần thường xuyên quan sát để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh lây lan ra cả vườn.
4. Thu hoạch
Nếu áp dụng đúng kỹ thuật trồng và chăm sóc mãng cầu xiêm thì từ thời điểm thụ phấn đến khi thu trái sẽ kéo dài khoảng 3 – 4 tháng.
Cắt cả phần cuống bên trên, thu hoạch nhẹ nhàng tránh làm quả bị dập nát.
Thực hiện đúng kỹ thuật trồng mãng cầu xiêm trên đây, bà con sẽ có một vườn cây ăn quả năng suất vượt trội, quả to và đồng đều cho hiệu quả kinh tế cao. Chúc bà con thành công với mô hình trồng cây mãng cầu xiêm mà Kinh Bắc cung cấp.