Sáng ngày 27-8 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị trực tuyến về thực trạng và giải pháp quản lý sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản tại đồng bằng sông Cửu Long.
Theo báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật, hiện nay, mức độ sử dụng phân bón vô cơ (hóa học) tại ĐBSCL đang cao hơn trung bình của cả nước từ 35 – 40%, trong khi mức độ sử dụng phân bón hữu cơ lại chỉ bằng 27,3% của cả nước.
Cụ thể, về chỉ số sử dụng phân bón vô cơ, cả nước hiện đang sử dụng trung bình khoảng 560kg/ha gieo trồng, còn tại ĐBSCL sử dụng tới 754 kg/ha gieo trồng.
Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cả nước có khoảng 841 cơ sở sản xuất phân bón với tổng công suất là 29,25 triệu tấn/năm. Trong đó, phân bón vô cơ có 576 cơ sở với công suất 25,21 triệu tấn/năm, phân bón hữu cơ có 265 cơ sở nhưng công suất chỉ có 4,04 triệu tấn/năm.
Trong đó, tại các tỉnh ĐBSCL có 343 cơ sở sản xuất phân bón với tổng công suất 5,8 triệu tấn/năm (chiếm 40,8% về số lượng và 19,9% về công suất so với cả nước). Trong số này, sản xuất phân bón vô cơ có 241 cơ sở với công suất 5,06 triệu tấn/năm (chiếm tới 87,2%); còn lại là phân bón hữu cơ chỉ chiếm ít ỏi.
Như vậy, ĐBSCL đang là vùng có số lượng cơ sở phân bón lớn nhất cả nước và công suất lớn thứ 2 (sau Đông Nam bộ). Trung tâm sản xuất phân bón ở ĐBSCL là tỉnh Long An.
Tại hội nghị, các đại biểu cảnh báo, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các nước nhập khẩu đều có xu hướng nâng cao quy định, kỹ thuật về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, tạo ra rào cản đối với nông sản nhập khẩu. Vì vậy, cần phải kiểm soát ngay tình trạng lạm dụng các loại vật tư hóa học như phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo chất lượng cho các mặt hàng nông sản có tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, rau màu là nông sản có lợi thế rất lớn ở ĐBSCL nhưng hiện nay việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật lại rất ít được điều tra, thống kê. “Đề nghị Bộ NN-PTNT cho phép Cục Bảo vệ thực vật, Cục Trồng trọt hoặc Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản điều tra, đánh giá cụ thể hơn nữa việc sử dụng các vật tư nông nghiệp trên rau màu, cây trái ở ĐBSCL”- ông Tùng nói và cho rằng: “Chúng ta không chỉ đánh giá về các dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà còn đánh giá cả việc cần phải tiết kiệm trong sử dụng hơn nữa, cần minh bạch trong sản xuất”.
Bàn về yêu cầu minh bạch và trách nhiệm trong sản xuất nông nghiệp khi thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan yêu cầu, cần phải minh bạch, công khai từ sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến trách nhiệm đối với người sản xuất, tiêu dùng và xã hội.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, các doanh nghiệp muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau. Phải thiết lập được hệ sinh thái hoặc liên minh của những doanh nghiệp có trách nhiệm đối với nền nông nghiệp, trách nhiệm đối với nông dân và trách nhiệm với thương hiệu quốc gia về nông sản.
“Chính những liên minh này cùng ngồi lại với các cơ quan quản lý nhà nước để hoạch định chiến lược phát triển lâu dài, để những mô hình tốt trên thực tế sẽ lan tỏa trong suy nghĩ của nông dân rằng, không thể đi theo con đường cũ nữa mà cần vạch ra con đường mới để đi” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Theo tư lệnh ngành nông nghiệp, con đường này lúc đầu có thể khó khăn nhưng qua thực tế, những mô hình đã và đang triển khai đã chứng minh hiệu quả.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, tình trạng sử dụng phân bón vô cơ, thuốc hóa học quá mức sẽ dẫn tới hệ lụy rất lớn không chỉ đối với môi trường, sức khỏe con người mà còn gây tình trạng kháng thuốc của sinh vật gây hại, suy giảm đa dạng sinh học của các loài thiên địch. Nông dân sẽ bị phụ thuộc vào hóa chất, chi phí ngày càng tăng cao, lợi nhuận giảm…