Kỹ Thuật Trồng Cây Nhãn Theo Tiêu Chuẩn VietGap

1. Một số giống nhãn phổ biến

  • Nhãn lồng: Quả có các múi chồng lên nhau ở phía đỉnh quả, quả chín ăn giòn, ngọt đậm.
  • Nhãn cùi: Quả hình cầu hơi dẹt, vở màu vàng nâu, không sáng mã. Quả có cùi giòn, ít nước, độ ngọt kém nhãn lồng.
  • Nhãn đường phèn: Quả nhỏ hơn nhãn lồng, cùi quả tương đối dày, mặt trên quả có các u nhỏ như cục dược phèn, vị ngọt sắc, chín muộn hơn nhãn cùi 10 – 15 ngày.
  • Nhãn nước: Loại nhãn này thường sấy để làm long nhãn, ít dùng để ăn tươi, có thể dùng hạt làm gốc ghép.
  • Ngoài ra, ở miền Bắc còn có một số giống nhãn như: Nhãn bàn bán, nhãn thóc, Đại ô Viên, Trữ Lương, Thạch Hiệp, Phi Tử tiếu, nhãn Thái Lan,…
  1. Đất và thời vụ trồng nhãn
  • Độ pH thích hợp 4,5 – 6,0. Nhãn không kén đất và có thể trồng trên nhiều loại đất như đất phù sa, đất cát ven biển, đất gò đồi ở trung du, miền núi, … Nhưng thích hợp với nhãn nhất là đất phù sa nhiều màu, ẩm, mát, không bị ngập nước.
  • Thời vụ trồng nhãn tốt nhất vào vụ xuân tháng 2 – 3 dương lịch và vụ thu tháng 8 – 10 dương lịch.

2. Kỹ thuật trồng cây nhãn theo tiêu chuẩn VietGap

  • Thiết kế vườn trồng nhãn
  • Vùng đồng bằng, những nơi thường bị ngập nước vào mùa mưa cần đào mương, lên líp hoặc đắp ụ để tránh ngập úng.
  • Vùng đồi núi thấp trồng cây theo đường đồng mức. Đối với những vườn trồng mới diện tích lớn > 5 ha cần chia lô, quy hoạch đường giao thông nội đồng và thiết kế hoàng cây chắn gió.

3. Kỹ thuật thiết kế mô hình trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP

  • Khoảng cách, mật độ trồng cây nhãn
  • Đối với vùng đồi khoảng cách thích hợp lá 7 x 7 m hoặc 6 x 7 m (tương đương mật độ 200 – 235 cây/ha), vùng đồng bằng là 8 x 8 m (tương đương mật độ 160 cây/ha).
  • Kích thước hố: Đất đồi 80 x 80 x 80 cm; Đất đồng bằng 60 x 60 x 60 cm.
  • Bón lót: Mỗi hố trồng bón 30 – 50 kg phân chuồng + 1 – 1,5 kg lân super + 0,1 – 0,15 kg vôi bột. Toàn bộ phân bón được trộn đều với lớp đất mặt bón xuống đáy với 3/4 hố. Đất còn lại lấp phủ trên mặt hố cao hơn mặt hố khoảng từ 10 – 20 cm để quá trình tưới nước đất nén chặt bằng mặt hố là được.
  • Toàn bộ công việc chuẩn bị hố trồng, bón lót phải được tiến hành ít nhất 1 tháng trước khi trồng.
  • Kỹ thuật trồng cây nhãn
  • Dùng dao nhọn rạch bỏ bầu nilong, đào 1 hố nhỏ chính giữa hố trồng, đặt cây vào hố, mắt ghép hướng về hướng gió chính và lấp đất vừa bằng cổ rễ hoặc cao hơn 2 – 3 cm.
  • Không được lấp quá sâu, trồng xong phải tưới ngay và dùng cỏ mục ủ gốc (lưu ý phải cách gốc từ 10 – 15 cm để tránh sâu bệnh xâm nhập).
  • Để cây phát triển tốt thời kỳ ban đầu cần cắm thêm một chiếc cọc tre cho cây để cây không bị đổ ngã khi gió mưa. Nếu trời nắng quá có thể dùng cành lá cây khác để che sơ hướng nắng trưa chiếu vào.

4. Kỹ thuật chăm sóc và quản lý vườn nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP
4.1 Kỹ thuật chăm sóc thời kỳ kiến thiết cơ bản

  • Tưới nước, bón phân và làm cỏ: Sau trồng phải thường xuyên tưới nước giữ ẩm. Một tháng sau trồng, tiến hành bón thức lần thứ nhất. Cứ sau mỗi đợt lộc non thành thục, lá chuyển màu xanh lại tiếp tục bón thúc cho cây.
  • Lượng phân bón cho 1 cây/năm: 30 – 50 kg phân chuồng hoai mục + 0,2 – 0,5 kg ure + 1 – 1,5 kg lân super + 0,3 – 0,5 kg Kali clorua. Toàn bộ phân vô cơ được chia làm 4 – 5 lần bón vào các đợt lộc trong năm.
  • Thường xuyên làm sạch cỏ, xới xáo nhẹ xung quanh gốc kết hợp với các lần bón phân trong năm.
  • Khi cây chưa giao tán trồng xen các cây họ đậu (đậu xanh, đậu tương), cây phân xanh (cốt khí, các loại muồng)… để tăng thu nhập những năm đầu, che phủ đất, chống xói mòn và tăng độ phì cho đất.
  • Đốn tỉa, tạo hình cho cây nhãn: Cần cắt tạo hình sao cho cây thấp, dễ chăm sóc và quản lý. Khi cây còn nhỏ cần tỉa bỏ ngọn cây cách mặt đất khoảng 0,8 – 1 m và những cành dày đặc, cành vượt, cành đan chéo nhau. Tuyển chọn lại 3 – 4 cành phân bố đều theo các hướng, cánh nhau 10 – 20 cm. Cành thứ nhất nên cách mặt đất 50 – 80 cm. Tiến hành tỉa bỏ những cành mọc thắng đứng, cành hướng vào giữa tán cây, cành bị che khuất mọc gần gốc, … nên theo định hướng tạo dáng cây có một bộ khung cơ bản thông thoáng.

4.2 Kỹ thuật chăm sóc cây nhãn ở thời kỳ kinh doanh

  • Tưới nước: Cung cấp đủ nước vào hai thời kỳ chính là thời kỳ phát triển quả các tháng 5 – 6 và thời kỳ cây chuẩn bị phân hóa mầm hoa vào các tháng 12 – 1. Thường xuyên làm sạch cỏ xung quanh gốc theo hình chiếu của tán cây.
  • Kỹ thuật bón phân cho cây nhãn
  • Lượng phân bón cho cây nhãn theo tuổi cây
  • Thời điểm bón phân: Chia thành 4 lần bón trong năm
  • Lần 1: Bón sau khi thu hoạch quả, vào tháng 8 đến tháng 9. Bón lần này nhằm phục hồi cho cây sau thu hoạch, thúc đẩy cành mùa Thu và coi đây là lần bón cơ bản trong năm. Ở lần này, bón toàn bộ phân chuồng, 80% lượng phân lân, 30% lượng phân đạm và 30% lượng phân Kali.
  • Lần 2: Bón vào đầu tháng 2, khi cây phân hóa mầm hoa. Lần bón này nhằm thúc hoa và nuôi lộc Xuân. Sử dụng 30% lượng phân đạm, 20% lượng phân lân và 30% lượng phân kali.
  • Lần 3: Bón vào cuối tháng 3 đến đầu tháng 4 nhằm làm cho chùm hoa phát triển tốt, tăng khả năng đậu quả và thúc đẩy cành Hè phát triển. Lần bón này chỉ sử dụng 10 – 20% lượng phân đạm.
  • Lần 4: Bón vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 nhằm bổ sung dinh dưỡng cho quả phát triển. Ở lần bón này, sử dụng toàn bộ lượng phân đạm và phân kali còn lại (20% lượng phân đạm + 40% lượng phân kali)
  • Kỹ thuật bón
  • Bón phân hữu cơ: Đào rãnh xung quanh cây theo hình chiếu của tán với bề mặt rãnh rộng 30 – 40 cm, sâu 30 – 35 cm, rải phân, lấp đất và tưới nước giữ ẩm. Ở lần bón sau khi thu hoạch quả, có thể trộn đều các loại phân vô cơ và bón kết hợp với cùng với phân chuồng.
  • Phân vô cơ: Khi đất ẩm chỉ cần rải đều phân trên mặt đất theo hình chiếu của tán, sau đó tưới nước để hòa tan phân. Khi trời khô hạn cần hòa tan phân trong nước để tưới hoặc rải đều phân theo hình chiếu của tán, xới nhẹ đất và tưới nước.
  • Bón phân qua lá: Để bổ sung dinh dưỡng kịp thời cho cây có thể dùng hình thức bón phân qua lá. Ngoài sử dụng ure 0,2% và Kalihydrophotphat (KH2PO4) 0,2 – 0,3%, có thể bổ sung các nguyên tốt vi lượng như Bo, Zn bằng phun các dung dịch axic Boric, dung dịch Sunphat kẽm 0,1%. Thời gian phun tốt nhất là trước khi hoa nở để làm tăng tỷ lệ đậu và sau khi đậu quả làm hạn chế rụng quả non.

4.3 Hiện tượng cây ra quả cách năm

  • Cây ra quả cách năm có nhiều lý do: Do chế độ dinh dưỡng; thời tiết; một số ít do đặc tính giống, những cây này thường xuyên không ra hoa, hoặc ra hoa rất nhiều nhưng không đậu quả, nên chặt bỏ thay bằng nhãn ghép hoặc cải tạo bằng những giống đã được chọn lọc. Đối với những cây do chế độ dinh sinh trưởng để có biện pháp chăm sóc hợp lý.
  • Cây thừa dinh dưỡng: Có biểu hiện cành lá quá xanh tốt, lá to xanh mềm, mỏng. Đây là hiện tượng cây bị lốp. Cách xử lý: Biện pháp 1: Từ tháng 10 – 11 dương lịch hàng năm ngắt tất cả các đầu cành khoảng 2 – 3 lá búp để triệt tiêu chồi dinh dưỡng gây tức nhựa, đồng thời kích thích cây ra kích tố sinh sản và nếu thời tiết thuận lợi năm sau cây ra hoa, quả tốt. Biện pháp 2: Khi quan sát thấy cây ra lộc đông vào cuối tháng 10 đầu tháng 11 mới nhú ra 1 cm tiến hành đào rãnh xung quanh gốc cây theo chiều rộng tán sâu 30 – 40 cm, rộng 15 cm, để phơi 1 tuần không tưới nước lộc sẽ tự thui đi.
  • Trường hợp thiếu dinh dưỡng: Đối với cây quá xấu, đất cằn cỗi không có khả năng ra hoa, kết quả cần bổ sung dinh dưỡng đặc biệt là Kali và Lân trộn thêm tro bếp bón đều quanh gốc, cần xới xáo từ gốc đến hết chiều rộng tán lá rồi mới rải phân lên đó. Sau đó bồi một lớp bùn mỏng để giữ ẩm. Khi bùn dạn chân chim tiến hành tưới nhử rễ, dùng nước phân chuồng hòa nước tiểu và phân NPK khoảng 2 kg hòa lẫn tưới đều lên mặt bùn.
  • Đối với những cây khi thấy chất lượng quả kém dần thì dùng phân bón lá phun lên lá vào thời kỳ ra lộc non, kết hợp bón xung quanh gốc bằng tro bếp + NPK theo chiều rộng tán ở độ sâu 1 – 3 cm.

4.4 Kỹ thuật điều khiển cây nhãn ra hoa

  • Cách 1: Phun KNO3 1% lên mầm hoa (sau khi ngọn ra lá lụa).
  • Cách 2: Khoanh vỏ cây
  • Cắt bớt đọt cành cũ dài khoảng 10 – 20 cm kể từ đọt cành để kích thích cây ra đọt mới. Sau khi cắt 10 – 15 ngày nhánh sẽ ra đọt non đầu tiên lúc này tiến hành bón phân. Khoảng 10 – 15 ngày sau khi cắt, cành sẽ cho ra đọt non đầu tiên, bón phân cho cây. Khi lá đọt non bắt đầu chuyển sang màu xanh thì thiến hành khoanh vỏ để kích thích cho cây ra hoa. Dùng dao hay cưa khoanh vỏ theo đường xoắn ốc (hai đầu vết khoanh không liền nhau) trên cành chính, chiều rộng vết khoanh khoảng 5 mm, cạn để cành mau tái tạo tượng tầng libe gỗ (sau 1 – 1,5 tháng là vừa). Có thể dùng dây nilon hay băng keo băng vết khoanh lại đê hạn chế cành liền vỏ nhanh làm giảm ảnh hưởng ra hoa. Tránh khoanh gốc vì cây dễ bị suy kiệt và chết. Chú ý chỉ khoảng 2/3 hoặc 3/4 số cành. Chừa lại một cành để nuôi rễ. Sau khi khoanh vỏ tưới nước thường xuyên, hạn chế bón phân (nhất là phân đạm) trong giai đoạn này vì sẽ làm cây ra lá nhiều hơn ra hoa. Bắt đầu bón phân trở lại sau khi quả có đường kính khoảng 1 cm. Thời gian khoanh gốc đến ra hoa khoảng 1 – 1,5 tháng.
  • Để tránh làm cây suy yếu cần lưu ý các điểm sau:
  • Thời điểm khoanh vỏ phải thích hợp: Giai đoạn lá non vừa chuyển màu xanh nhạt.
  • Cung cấp phân bón đầy đủ trong năm.
  • Có thể dùng các loại thuốc gốc đồng quét lên vết khoanh để tránh nhiễm trùng.

5. Biện pháp phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại cây nhãn

  • Một số đối tượng sâu bệnh hại chính gây hại trên cây nhãn cần lưu ý:
  • Bọ xít.
  • Sâu tiện thân nhãn.
  • Rệp sáp.
  • Dơi: Bó các chùm nhãn trong giấy cứng, bao cói, mo cau, túi PE để bảo vệ quả.
  • Rầy hại hoa: Dipterex 0,2% và Trebon 10 ND 0,15 – 0,2%.
  • Dòi đục cành hoa: Phun bằng Minitor 0,2%, Trebon 0,15 %.
  • Bệnh sương mai (mốc sương).
  • Bệnh vàng lá chết đứng so các nguyên nhân: Do nấm hại rễ; Do trồng quá sâu; Do mất cân bằng dinh dưỡng vì bón quá nhiều đạm. Cần phải bón cân đối đạm, lân, kali.

6. Kỹ thuật thu hoạch quả nhãn

  • Khi vỏ quả chuyển từ màu nâu hơi xanh sang màu nấu sáng, vở quả hơi sù sì hơi dày chuyển sang mọng và nhẵn, bóc quả xem thấy hạt có màu nâu đen (trừ giống có hạt màu đỏ) thì có thể thu hoạch.
  • Nên thu hoạch quả vào ngày trời tạnh ráo, vào buổi sáng và buổi chiều, tránh thu hoạch vào đúng giữa trưa khi trời quá nóng. Không cắt trụi hết cành lá của cây vì có thể ảnh hưởng đến khả năng nảy lộc vụ sau.

7. Ghi chép hồ sơ

  • Cần ghi chép đầy đủ nhật ký các thông tin về thời gian chăm sóc theo quy trình kỹ thuật, thời gian thu hoạch đóng gói, các biện pháp kỹ thuật tác động cụ thể để dễ ràng truy nguyên nguồn gốc, đảm bảo an toàn sản phẩm.

Chúc bà con có một vụ mùa bội thu!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *