Hiện nay cây mít là cây đang được nhiều nhà vườn lựa chọn bởi thời gian cho trái nhanh. Có thể trồng xen canh, lấy ngắn nuôi dài, gia tăng thu nhập cho các nhà vườn.
Cây mít là cây có thể tự ra hoa cho trái tự nhiên. Tuy nhiên việc ra hoa cho trái diễn ra rải rác nên khi thu hoạch không tập trung, giảm tính cạnh tranh so với quy mô công nghiệp. Khi muốn cây ra hoa đồng loạt, tập trung thì bắt buộc cần tác động các biệt pháp xử lý.
Quy trình xử lý ra hoa cho cây mít? Cách làm cho cây mít ra hoa đồng bộ? chọn bộ tác động cho cây mít ra hoa? Thời điểm nào có thể xử lý ra hoa cho cây mít? Thời gian xử lý ra hoa cho cây mít bao lâu? Sau khi xử lý bao lâu thì cây mít ra hoa?
1. Khi nào có thể xử lý ra hoa cho cây mít
Việc xử lý ra hoa cho cây mít chỉ áp dụng đối với những cây mít từng mang quả. Tức cây mít trên 2 năm tuổi.
Để xử lý ra hoa trên cây mít tỷ lệ thành công cao cần lựa chọn cây mít có đủ điều kiện như cây to khỏe, có bộ khung tán hoàn thiện, cơi đọt khỏe, lá đã chuyển sang màu lá lụa.
Khi cây đã đủ điều kiện xử lý ra hoa thì thời điểm xử lý ra hoa căn cứ vào thời điểm muốn cây ra hoa. Tức là thời gian xử lý ra hoa cho cây khoảng 1 tháng. Nếu muốn cây ra hoa vào tháng nào thì thời điểm xử lý ra hoa sẽ trước 1 tháng. Ví dụ muốn cây ra hoa vào tháng 4 thì thời điểm xử lý ra hoa vào đầu tháng 3.
2. Quy trình xử lý ra hoa cho cây mít
Khoảng thời gian xử lý ra hoa cho cây mít được tập trung trong 1 tháng. Trong thời gian này cần tập trung làm các bước như bón phân chặn đọt và làm già đọt, xiết nước, phun tạo mầm, tỉa cành và cuối cùng là ra hoa.
2.1. Bón phân chặn đọt và làm già đọt
Bón phân gốc cho cây bằng các loại phân NPK có hàm lượng kali cao hoặc lân: kali cao, sẽ là biệt pháp tạo sốc cho cây. Giúp cây hoàn thiện cuối giai đoạn sinh trưởng để chuyển sang giai đoạn sinh trưởng sinh sản.
Lựa cọn các dòng phân bón NPK theo tỷ lệ 12-11-18, 15-5-20, 15-5-25. Hoặc có thể phối trộn phân đơn như phân lân, kali với tỷ lệ 5:1 (50 kg lân + 10 kg kali), 3:1, 4:1. Lượng bón tùy vào sức khỏe của cây. Đối với cây 3-5 năm tuổi bón với lượng từ 200-400 g/ gốc. Lưu ý vườn càng sung thì lựa chọn tỷ lệ phân bón kali tăng, giảm lân.
Sau khi bón phân cần cung cấp nước để đảm bảo phân tan hết, cây mít có thể hấp thụ phân bón tốt nhất.
2.2. Xiết nước tạo khô hạn
Sau khi phân tan hết để 1-2 ngày cây hấp thụ phân bón thì tiến hành xiết nước tạo khô hạn cho cây.
Rút nước trong mương xuống mặt liếp 60-80 cm đến khi lá xào, rụng thì dừng.
2.3 Phun tạo mầm hoa cho cây mít
Việc phun tạo mầm thông thường chỉ cần phun 1-2 lần. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp do cây sung sức thì có thể tiến hành lặp lại lần thứ 3-4.
Phun tạo mầm lần 1 tiến hành sau khi xiết nước 5 ngày. Lựa chọn các dòng phân bón qua lá có hàm lượng lân cao như MKP, phân bón qua lá có tỷ lệ 10-55-10, 0-60-20 và kết hợp bổ sung thêm vi lượng. Lần 1 phun phủ toàn bộ cây (lá, thân).
Phun tạo mầm lần 2 cách lần 1 khoảng 1 tuần. Chọn phân bón có hàng lượng lân, kali cao. Nếu vườn mít phát triển đúng thì lần 2 chỉ phun vào vị trí muốn ra hoa. Nếu vườn phát triển sung sức thì phun phủ toàn cây.
Lần 3, lần 4 nếu cần thiết phun thì lựa chọn phân hàm lượng lân, kali cao phun vào các vị trí muốn mang hoa. Lần 3, 4 cách lần trước đó 4-5 ngày.
2.4 Kỹ thuật tỉa cành
Sau khi kết thúc tạo mầm 2 tuần thì tiến hành cắt tỉa cành sâu bênh, cành tăm, cành trong tán, các cành ốm yếu để cây tập trung dinh dưỡng ủ mầm hoa. Đồng thời bắt cây chuyển sang giai đoạn ủ mầm ra hoa.
2.5 Thời điểm ra hoa của cây mít
Cây sẽ ra hoa sau khi cắt cành khoảng 1 tuần. Khi cây ra hoa thì tiến hành tưới nhấp nước dần dần để cây nuôi hoa. Lưu ý không tưới nhiều nước ngay tránh làm sốc cây.
Sau khi cây ra hoa chuyển sang giai đoạn nuôi hoa thì tiến hành bón phân bổ sung dinh dưỡng cho cây để nuôi hoa.
Lựa chọn phân bón NPK bón gốc với tỷ lệ như 15-15-15, 12-12-12, … với liều lượng khoảng 200-300 g/ gốc cây tuổi từ 3 năm trở lên. Cây ra càng nhiều hoa thì lượng phân bón càng tăng lên.
Trường hợp cây không ra hoa thì tiếp tục xiết nước thêm 7-10 ngày, tiếp tục phun tạo mầm hoa, cắt tỉa, đến khi ra hoa mới tưới nước và chăm sóc chuyển sang giai đoạn nuôi hoa.
Chúc bà con có một vụ mùa bội thu!