Hiện nay, ở nước ta những giống bò ngoại chuyên thịt được đưa vào phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo và được nuôi phổ biến ở các địa phương. Ưu điểm của các giống bò ngoại chuyên thịt này là chúng thích nghi với điều kiện thời tiết và chăn nuôi Việt Nam nên tốc độ sinh trưởng, phát triển nhanh, ngoại hình đẹp, khối lượng cơ thể lớn, tỷ lệ thịt xẻ cao (trên 60%), chất lượng thịt thơm ngon, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Từ thực tế cho thấy có rất nhiều hộ chăn nuôi bò sinh sản phối giống của các giống bò nhóm Zebu đã chuyển sang hoàn toàn hoặc chuyển sang một phần phối giống bò ngoại chuyên thịt. Mặt khác, so với bò lai Zebu thì bò lai 3B (Blanc Blue Belge); Bramand ngoại; Red Agus có ngoại hình đẹp hơn, tốc độ tăng trưởng nhanh hơn. Vậy để đảm bảo tốc độ tăng đàn và chất lượng bê con nuôi thịt thì người chăn nuôi bò cái sinh sản được phối giống bằng tinh bò chuyên thịt nhập ngoại cần chú ý một số khâu kỹ thuật như sau:
1. Chuồng trại chăn nuôi
Chuồng trại nuôi bò nên xây dựng ở những khu vực rộng và cách xa khu dân cư để đảm bảo vệ sinh môi trường một cách tốt nhất. Xây dựng chuồng ở khu đất cao ráo, thoáng mát mùa hè, ấm áp mùa đông, dể dàng vệ sinh cũng như đảm bảo hệ thống thoát nước hoạt động tốt. Hướng chuồng nên chọn hướng Nam hoặc Đông Nam để đảm bảo ánh sáng cũng như sự thông thoáng của chuồng. Tùy thuộc vào số lượng đàn bò để bố trí diện tích chuồng cũng như thiết kế chuồng một cách cân đối, phù hợp nhất. Có thể xây dựng chuồng thành từng dãy dài, với chiều cao chuồng từ 3,2 – 3,5 mét, chiều dài chuồng tùy thuộc vào số lượng bò cần nuôi đảm bảo 4 – 5 m2/con để thuận tiện cho việc quản lý, chăm sóc và nuôi dưỡng bò. Nền chuồng nên láng bằng nền xi măng, tránh láng bóng gây trơn trượt cho vật nuôi.
2. Chọn bò cái nuôi sinh sản
Nên chọn những bò cái lai nhóm Zêbu (Red Sindhi, Brahman,…) nên sử dụng bò cái lai từ 75% máu ngoại trở lên, có tầm vóc lớn, trọng lượng từ 220 kg trở lên và đã đẻ từ lứa 2 đến lứa 6. Bò cái phải có thể chất khỏe mạnh, ngoại hình cân đối, lông óng mượt, da mềm, đầu cổ linh hoạt, mắt sáng, mõm bẹ, bộ răng còn tốt. Lưng dài, thẳng, mông nở, chân thẳng, bước đi vững chãi, chắc chắn.
3. Thời điểm phối giống thích hợp
Thời gian mỗi lần động dục của bò khá biến động, kéo dài trong khoảng 6 – 36 giờ nhưng phổ biến nhất là 18 – 24 giờ. Tuy nhiên, khoảng thời gian phối giống cho bò dể có chửa nhất chỉ kéo dài 10 – 12 giờ. Cho nên thời điểm phối giống thích hợp cho bò là khi thấy nước nhờn keo dính và chuyển sang màu trắng đục, âm hộ hơi mở, niêm mạc chuyển từ màu đỏ hồng sang nhạt, bò đứng yên khi con khác nhảy lên. Theo kinh nghiệm, chọn thời điểm phối giống theo quy luật sáng – chiều, tức là nếu thấy bò có biểu hiện động dục buổi sáng thì phối giống vào buổi chiều, nếu bò động dục buổi trưa hoặc chiều thì phối giống vào buổi sáng hôm sau.
4. Chăm sóc nuôi dưỡng bò cái mang thai
Sau khi được phối giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo xong người nuôi cần phải ghi lại ngày phối giống, số hiệu đực giống. Nếu qua 21 ngày tiếp theo mà bò cái không còn lên giống nữa thì tức là bò đã mang thai. Trong thời gian mang thai bò cái cần được ăn thức ăn thô xanh tự do (có thể bổ sung thêm rơm khô), uống nước đầy đủ và bổ sung thức ăn tinh với lượng khoảng 1 kg/con/ngày. Không bắt bò làm việc nặng như: cày, bừa, kéo xe,… tránh xua đuổi, xô đẩy mạnh.
Lưu ý hai thời kỳ bò dể bị sảy thai hoặc đẻ non
Thời kỳ 1: Lúc bò có chửa vào tháng thứ 3 – 4, nguyên nhân chính gây nên là do hóa học, các chất độc, độc tố thức ăn và các yếu tố bất lợi do thời tiết đều kích thích tử cung co bóp đẩy thai ra ngoài.
Thời kỳ 2: Lúc bò có chửa tháng 7 – 8. Nguyên nhân chính gây ra sẩy thai, đẻ non trong giai đoạn này là tác nhân cơ học. Những hoạt động quá mạnh như chạy nhảy, làm việc quá sức, leo dốc,… đều có thể gây nên sẩy thai.
5. Chăm sóc bò mẹ và bê con mới sinh
Thời gian mang thai trung bình của bò khoảng 281 ngày, trước khi bò đẻ 5 – 10 ngày cần tách riêng sang chuồng đẻ đã được vệ sinh tiêu độc bằng nước vôi, có cỏ hoặc rơm làm chất độn chuồng, chuồng đảm bảo yêu cầu đông ấm, hè mát và thường xuyên quét dọn phân và theo dõi các biểu hiện của bò.
Khi bò mẹ chuẩn bị đẻ thường có biểu hiện mông sụp, bầu vú căng ,đuôi lệch sang một bên, ít vận động, bò bồn chồn, đứng lên nằm xuống, chân cào nền chuồng. Người nuôi cần căn cứ vào các dấu hiệu của bò mẹ để chuẩn bị đở đẻ cho bò được kịp thời. Nếu trong trường hợp bò đẻ bình thường, người nuôi chỉ cần dùng tay kéo nhẹ bê con đồng thời kết hợp với nhịp rặn của bò mẹ. Đối với trường hợp bò mẹ khó đẻ như thai ngược, thai ngang, nên nhờ sự can thiệp của các cán bộ thú y gần nhất.
Đối với bê con: Khi được sinh ra, lấy khăn lau sạch nhớt, dãi ở phần đầu để bê con đảm bảo được sự hô hấp. Cắt dây rốn cho bê con dài khoảng 10 – 12 cm, sát trùng bằng cồn Iốt. Sau đó bê con cần phải được bú sữa đầu càng sớm càng tốt (Lưu ý: cần quan sát xem bê có tự bú được không, nếu bê không bú được thì phải tập cho bê bú). Bê con từ khi sinh ra đến 30 ngày tuổi được ở trong chuồng với bò mẹ. Luôn giữ ấm cho bê, tránh gió lùa, chổ bê nằm cần giữ khô ráo và sạch sẽ tránh gây bệnh về đường tiêu hóa. Khi bê con được 30 – 40 ngày tuổi thì nên tập cho bê ăn cỏ non phơi tái, cho ăn từ 5 – 8 kg/con/ngày, bổ sung thức ăn tinh từ 0,5 – 1 kg/con/ngày. Vào mùa thiếu cỏ có thể cho bê ăn thêm cỏ khô hoặc rơm.
Đối với bò mẹ: Sau khi đẻ xong cần vệ sinh phần thân sau và bầu vú cho bò mẹ, cho uống nước đầy đủ, thêm ít muối, cám, nước ấm để cân bằng điện giải và tăng cường sức khỏe. Người nuôi cần theo dỏi xem nhau thai đã ra hay chưa để có biện pháp xử lý kịp thời. Trong thời gian nuôi con, cho bò mẹ ăn thức ăn thô xanh từ 30 – 40 kg/con/ngày và kết hợp cho ăn thức ăn tinh từ 1 – 2 kg/con/ngày để cho bò mẹ nhanh hồi phục sức khỏe chuẩn bị cho chu kỳ phối giống tiếp theo.
Chúc bà con thành công!