Triệu Chứng Thiếu Kẽm Ở Sầu Riêng

1. Vai trò của Kẽm (Zn)

Kẽm (Zn) được phát hiện là nguyên tố vi lượng thiết yếu của không chỉ ở cây sầu riêng mà còn ở mọi loại cây trồng. Từ những năm 1925 các nhà khoa học đã nghiên cứu và chỉ ra rằng Kẽm là một trong những nguyên tố vi lượng quan trọng nhất với cây trồng và từ đó về sau người ta mới có khái niệm bón phân Kẽm cho cây.

Đối với cây sầu riêng Kẽm góp phần cấu tạo một số men enzym, tổng hợp axit nucleic (RNA) và Protein. Khi thiếu Kẽm, sự tổng hợp ARN giảm do ức chế tổng hợp protein trong cây. Kẽm tham gia một số quá trình sinh hoá cây sầu riêng.

Một vai trò quan trọng bậc nhất của Kẽm trong cây sầu riêng góp phần vào hình thành hooc môn tăng trưởng Auxin. Chồi non của cây sầu riêng khi thiếu Kẽm thường có hàm lượng Auxin rất thấp, do đó cây còi cọc, kém phát triển. Ngoài những tác dụng trực tiếp Kẽm còn có tác dụng gián tiếp với cây sầu riêng nhờ tăng cường khả năng sử dụng lân và đạm của cây.

Trong cây hàm lượng Kẽm trong rễ là cao nhất sau đó đến lá và thấp nhất là thân, cành. Hàm lượng Kẽm ở phần non của cây cao hơn phần già và giảm dần theo tuổi cây.

2. Triệu chứng thiếu Kẽm ở cây sầu riêng

Triệu chứng thiếu Kẽm thường biểu hiện rõ nhất trên lá sầu riêng, chủ yếu trên các lá non đã trưởng thành hoàn toàn (lá thứ 2 và 3 từ trên xuống). tuy nhiên nó có thể xuất hiện đồng thời ở các bộ phận khác của cây. Thiếu Kẽm không những ảnh hưởng đến sự phát triển của cây mà nó còn cản trở sự phát triển của bộ rễ. Các nghiên cứu đã chỉ ra sầu riêng bị thiếu Kẽm giảm 50% năng suất của mùa vụ so với cây đủ Kẽm.

Xem thêm: Nguyên Nhân Đen Mắc Cua Trên Sầu Riêng

Khi thiếu Kẽm lá chuyển sang màu xanh lục nhạt, vàng hoặc xuất hiện những đốm bạc trắng ở giữa lá. Có thể xuất hiện một đốm nhỏ màu nâu ở giữa lá. Những lá trên ngọn rất nhỏ, biến dạng, mọc sát nhau làm cho chùm lá xù ra. Cây còi cọc, lùn, thân cây yếu, mềm. Các chồi non chết khô, sau đó lan dần ra cả cây. Ngoài ra thiếu Kẽm ở cây sầu riêng còn khiến cây chậm ra hoa. Quả thường không phát triển dẫn đến suy giảm năng suất mùa vụ.

Thiếu Kẽm còn làm suy giảm khả năng chống chịu sâu bệnh hại ở cây sầu riêng.

3. Biện pháp bổ sung Kẽm hữu hiệu nhất

Phun qua lá giúp khắc phục nhanh tình trạng thiếu Kẽm. Khi thấy lá cây sầu riêng có những biểu hiện ở trên. Nên tiến hành phun Kẽm qua lá. Sau 10 -14 ngày, lá sẽ xanh trở lại. Những lá mới ra cũng sẽ có màu xanh và không có biểu hiện thiếu Kẽm.

Sử dụng các loại phân bón chứa Kẽm: Kẽm Sulfat, Kẽm Oxit, Kẽm Clorua, Kẽm phốt- phát; … Bón trực tiếp vào đất hoặc dùng kèm với các loại phân hữu cơ.

Bón Axit Humic và Axit Fulvic cũng làm tăng tính hấp thụ Kẽm ở cây trồng.

*Lưu ý: Khi cây đang thiếu Kẽm không nên bón vôi vì sẽ làm lượng Kẽm hữu hiệu trong đất thiếu hụt thêm.

Triệu chứng thiếu Kẽm ở cây sầu riêng rất dễ nhận biết nếu chúng ta thường xuyên quan sát vườn. Việc bổ sung Kẽm kịp thời sẽ giúp cây phát triển tốt cả mặt sinh trưởng sinh dưỡng và sinh trưởng sinh sản.

Chúc bà con có những vụ mùa bội thu!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *