Hướng Dẫn Kỹ Thuật Canh Tác Sầu Riêng Chuẩn VietGap

Sầu riêng là một loại quả rất được ưa chuộng tại khu vực các nước Đông Nam Á. Tại Việt Nam cây sầu riêng được quan tâm và đầu tư phát triển trong thời gian gần đây. Nếu được chăm sóc đúng kỹ thuật thì cây sầu riêng chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác. Hiểu được điều này, trong bài viết dưới đây cùng Kinh Bắc tìm hiểu về kỹ thuật canh tác cây sầu riêng theo tiêu chuẩn VIETGAP.

Khu vực trồng cây sầu riêng

Cây sầu riêng là một loại cây ăn quả chứa nhiều chất dinh dưỡng và có giá trị kinh tế cao, được trồng nhiều ở các tỉnh phía Nam. Đặc biệt, trong những năm gần đây, quả sầu riêng được tiêu thụ thuận lợi, giá bán ở mức cao nhiều năm liền, người trồng sầu riêng có lãi lớn, vì vậy diện tích trồng sầu riêng tăng nhanh. Cụ thể:

+ Vùng Tây Nguyên sầu riêng được trồng tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai và Kon Tum.

+ Vùng Đông Nam Bộ sầu riêng trồng ở các tỉnh như Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh.

Kỹ thuật canh tác cây sầu riêng theo tiêu chuẩn VIETGAP

1. Lựa chọn khu vực sản xuất

Yêu cầu sinh thái

– Yêu cầu về nhiệt độ: Sầu riêng là cây ăn quả nhiệt đới nên có thể sinh trưởng, phát triển ở nhiệt độ từ 24-30 độ C, nhiệt độ dưới 13 độ C có thể làm cây rụng lá, sinh trưởng chậm, cây có thể chết nếu kéo dài.

– Yêu cầu về nước và lượng mưa: Sầu riêng thuộc nhóm cây trồng mẫn cảm với mặn, chịu được nguồn nước có nồng độ mặn < 1‰. Cây sầu riêng có thể sinh trưởng, phát triển ở nơi có lượng mưa từ 1.600-4.000 mm/năm nhưng tốt nhất là 2.000 mm/năm. Mưa nhiều có thể tốt cho sinh trưởng, tuy nhiên ẩm độ cao dễ phát sinh bệnh. Trong năm cây cần một giai đoạn không mưa khoảng từ 2 tháng trở lên để giúp cây ra hoa tự nhiên thuận lợi.

– Yêu cầu về ánh sáng: Khi cây còn nhỏ, cây thích bóng râm nên cần che mát giảm lượng ánh sáng từ 30-40%. Khi cây lớn lên các cây tự che mát nhau, không cần che bóng và cây lớn cần ánh sáng đầy đủ để phát triển.

– Yêu cầu về gió: Sầu riêng thích hợp gió nhẹ. Cây không chịu được gió mạnh hay gió bão. Tránh trồng sầu riêng nơi có gió mạnh trong điều kiện khô nóng.

Vùng trồng

– Chọn vùng sản xuất phải đảm bảo điều kiện đất đai và khí hậu tối ưu để cây sầu riêng sinh trưởng và phát triển tốt. Sầu riêng là cây ăn quả nhiệt đới, không chịu được lạnh nên chỉ thích hợp trồng ở những vùng thấp từ ĐBSCL đến độ cao 1.000m như ở Bảo Lộc, Lâm Đồng.

– Chọn trồng sầu riêng trong vùng được quy hoạch phát triển cây ăn quả của địa phương.

Đất trồng

Cây sầu riêng có thể sinh trưởng phát triển trên nhiều loại đất khác nhau. Cây sầu riêng yêu cầu đất có tầng canh tác sâu, không quá nhiều sét, khả năng thoát nước tốt, không bị ngập úng, pH đất thích hợp từ 5,5-6,5. Cây sầu riêng chịu mặn và chịu hạn rất kém.

>>>Xem thêm: Bí Quyết Giúp Sầu Riêng Đậu Trái, To Tròn, Xanh Gai

2. Thiết kế vườn trồng

Thiết kế lô, liếp trồng

– Vùng ĐBSCL: nên đào mương lên liếp để tăng độ dày tầng canh tác, chứa nước để tưới cây, thoát nước và cung cấp nước cho vườn khi cần thiết. Kích thước của mương tùy thuộc vào điều kiện riêng của từng nơi, thường mương liếp được thiết kế như sau: mương rộng 1,5-2 m, sâu 1-1,2 m; Liếp rộng 5-6m (trồng hàng đơn) hoặc liếp rộng 7-8m (trồng hàng đôi).

– Vùng đất cao (Đông Nam Bộ và Tây Nguyên): đối với những vùng đất cao phải chọn nơi có nguồn nước suối hoặc nước ngầm để tưới cho cây sầu riêng vào mùa nắng. Vùng đất cao lên mô thấp, đường kính mô từ 70-80cm, cao 30-40 cm và cũng chuẩn bị bón lót cho hố đất với những thành phần giống như việc chuẩn bị cho 1 mô đất như trên. Hố trồng cần phải được chuẩn bị trước khi trồng từ 2-4 tuần.

Bờ bao và cống bọng

Tùy diện tích của vườn mà có một hay nhiều cống chính còn gọi là cống đầu mối đưa nước vào cho toàn khu vực. Cống nên đặt ở bờ bao, đối diện với nguồn nước chính để lấy nước vào hay thoát nước ra được nhanh. Cần chọn cống có đường kính lớn lấy đủ nước trong khoảng thời gian thủy triều cao. Nên đặt 2 cống cho nước vào và nước ra riêng để nước trong mương được lưu thông tốt.

Trồng cây chắn gió

Nếu vườn có diện tích lớn thì nên chia vườn thành từng lô nhỏ (10-20 ha) và chọn cây có độ cao hợp lý, chắc gỗ, khó đổ ngã để trồng quanh vườn và đường phân lô làm cây chắn gió cho cây sầu riêng, không chọn cây là ký chủ của các loài sâu bệnh hại cây sầu riêng, nhất là nấm Phytophthora spp. như: dừa, cao su,…

Mật độ và khoảng cách trồng

Khoảng cách trồng là 6x6m đến 8x8m (tại khu vực ĐBSCL); từ 10x10m (ở miền Đông Nam Bộ) tùy thuộc vào vùng đất mà khoảng cách này thưa hay hẹp. Khi trồng với mật độ cao (156 cây/ ha hoặc cao hơn) cần áp dụng kỹ thuật hạ thấp chiều cao, tỉa cành thu hẹp tán cây và các biện pháp kỹ thuật phù hợp khác như cắt tỉa các cành mọc quá dày khi có thể hoặc sau mỗi vụ thu hoạch để bảo đảm vườn cây thông thoáng, góp phần hạn chế sâu bệnh phát triển, giúp cây cho năng suất quả cao và chất lượng tốt.

3. Giống trồng

Một số giống cây sầu riêng được trồng phổ biến ở nước ta hiện nay như giống DONA (Monthong), giống Ri6, giống Cơm vàng sữa hạt lép Chín Hóa. Đây là những giống sầu riêng cho năng suất cao và chất lượng quả đều. Một số lưu ý khi lựa chọn giống cây sầu riêng:

Nhân giống: Không được trồng sầu riêng bằng hạt, nên trồng sầu riêng được nhân giống vô tính (cây ghép mắt hoặc ghép cành) từ cây đầu dòng và vườn cây đầu dòng được công nhận.

Tiêu chuẩn giống cây tốt:

+ Gốc ghép phải thẳng, đường kính gốc ghép 1,0-1,5 cm. Bộ rễ phát triển tốt.

+ Thân, cành, lá: thân thẳng và vững chắc, từ 3 cành cấp 1 trở lên. Các lá ngọn đã trưởng thành xanh tốt và có hình dạng, kích thước đặc trưng của giống. Chiều cao cây giống (từ mặt giá thể bầu ươm đến đỉnh chồi) từ 80cm trở lên.

+ Độ thuần, tuổi xuất vườn: Cây sản xuất phải đúng giống như tên gọi ghi trên nhãn hiệu. Cây giống phải đang sinh trưởng khỏe, không mang các loại dịch hại chính như bệnh thán thư, bệnh Phytophthora, rầy phấn,…

4. Kỹ thuật trồng

Chuẩn bị đất trồng

– Tiến hành đắp mô trên liếp, mô đất có thể có kích thước mặt mô: 0,7-0,8 m, đáy mô: 1,0 – 1,2 m, chiều cao mô: ≥ 0,5m (Hằng năm đắp mô rộng theo tán cây). Vật liệu đắp mô theo tỷ lệ 1/4 phần phân chuồng ủ hoai + 3/4 phần đất màu mỡ.

– Đối với những vùng đất cao (Đông Nam Bộ và Tây Nguyên) sầu riêng được trồng ngang bằng mặt đất, tuy nhiên đất phải được đánh rãnh xung quanh gốc để dễ tưới tiêu và thoát nước vào mùa mưa. Công tác chuẩn bị mô để trồng cây cần thực hiện hoàn chỉnh trước trồng 15-20 ngày.

– Trước khi trồng thì đào hố trên mô đã đắp với kích thước 0,3×0,3×0,3m, trộn lớp đất vừa đào với 50-100g phân NPK (20-20-15 hoặc 15-15-15,..) + thuốc sát trùng theo khuyến cáo để bảo vệ bộ rễ tơ.

Cách trồng

– Cắt bỏ đáy vật liệu làm bầu đất, đặt cây vào hố trồng và lấp đất vừa ngang mặt bầu cây con (không lấp đất cao hơn mặt bầu, không làm tổn thương cây con).

– Cắm cọc giữ cây khỏi đổ ngã và che bóng cho cây con, chú ý không che quá 50% ánh sáng mặt trời đến với cây.

Thời vụ trồng

Tùy theo từng điều kiện cụ thể mà quyết định từng thời vụ trồng khác nhau. Nhưng thường cây sầu riêng được trồng vào đầu mùa mưa để giảm chi phí tưới tiêu cho vườn cây.

5. Quản lý dinh dưỡng, kỹ thuật bón phân và hóa chất bổ sung

Quản lý phân bón

– Phải sử dụng phân bón và chất bổ sung được phép lưu hành tại Việt Nam. Nếu sử dụng phân gia súc, gia cầm làm phân bón thì phải ủ hoai mục và kiểm soát hàm lượng kim loại nặng theo quy định.

– Cần sử dụng phân bón theo nhu cầu của cây sầu riêng, kết quả phân tích các chất dinh dưỡng trong đất theo quy trình đã được khuyến cáo của cơ quan có chức năng.

– Phân bón và chất bổ sung phải giữ nguyên trong bao bì, nếu đổi sang bao bì, vật chứa khác, phải ghi rõ và đầy đủ tên, hướng dẫn sử dụng, hạn sử dụng như bao bì ban đầu.

– Một số loại phân bón và chất bổ sung như: Amoni nitrat, nitrat kali, vôi sống phải được bảo quản tránh nguy cơ gây cháy, nổ, làm tăng nhiệt độ.

Kỹ thuật bón phân và hóa chất bổ sung

Thời kỳ kiến thiết cơ bản

Trong thời kỳ này sẽ sử dụng các loại phân như:

+ Phân hữu cơ: liều lượng 10-30 kg phân chuồng hoai mục (hoặc 3-5 kg hữu cơ vi sinh)/cây/năm, định kỳ 1 lần/năm. Liều lượng phân chuồng năm thứ 1 và thứ 2 khoảng 10-20kg/ cây và đến năm thứ 4 là 25-30 kg/ cây.

+ Phân vô cơ: có thể sử dụng phân đơn (ure, lân, kali) hoặc phân N-P-K để bón cho cây giai đoạn kiến thiết cơ bản.

+ Vôi: liều lượng 0,5-1kg/ cây vào đầu mùa mưa. Nếu đất có pH > 6,5 thì không nên bón thêm vôi.

+ Đối với cây sầu riêng 5-6 tuổi là vào giai đoạn kinh doanh (mang quả ổn định) thì liều lượng phân bón NPK như bảng 2, sau đó hàng năm tăng 20-30%.

Sau khi trồng thấy cây ra tược non đầu tiên mới tiến hành bón phân. Lượng phân bón nên chia nhỏ làm nhiều lần bón (4-9 lần), năm đầu tiên nên bón 6-9 lần/năm. Phân bón có thể pha vào nước để tưới gốc hoặc xới nhẹ xung quanh gốc để bón phân và tưới nước.

Thời điểm kinh doanh

Sử dụng các loại phân:

  • Phân hữu cơ: phân chuồng ủ hoai (phân gà) được khuyến cáo bón sau thu hoạch từ 20-30kg/cây hoặc phân hữu cơ chế biến với liều lượng 4 kg/cây/lần bón vào các thời điểm sau thu hoạch, trước ra hoa và đậu quả.
  • Phân vô cơ: Có thể sử dụng phân đơn hoặc phân bón chuyên dùng cho cây ăn quả có tỉ lệ N-P-K thay đổi phù hợp theo nhu cầu dinh dưỡng của từng giai đoạn ra hoa, đậu quả, quả phát triển và trước thu hoạch.

Khi cây 5-6 năm tuổi thường có đường kính tán từ 6-7 m trở lên, cây đang phát triển bình thường có thể bón phân 900g N – 700g P2O5 – 950g K2O:

Lần 1 (sau thu hoạch): Bón phân hữu cơ theo liều lượng khuyến cáo trên bao bì (hoặc bón 4kg/cây phân hữu cơ, nấm Trichoderma theo khuyến cáo trên bao bì kết hợp với phân tỷ lệ N: P: K (2:1:1) với liều lượng 400g N – 200g P2O5 – 200g K2O/cây

Lần 2 (trước nở hoa): Trước ra hoa 30-40 ngày bón phân vô cơ có hàm lượng lân cao theo tỷ lệ N: P: K (1:3:2) với liều lượng 100g N – 300g P2O5 – 200g K2O/cây kết hợp với phân lân hữu cơ theo liều lượng khuyến cáo.

Lần 3 (đậu quả): Sau khi nở hoa 2 tuần (14 ngày) cần bón phân có hàm lượng kali cao theo tỷ lệ N:P:K (2:1:1) với liều lượng 200g N – 100g P2O5 – 100g K2O/cây, kết hợp với phân hữu cơ có nguồn gốc từ phân gà theo liều lượng khuyến cáo trên bao bì (hoặc bón 4kg/cây phân hữu cơ).

Lần 4 (quả phát triển): Sau khi đậu trái 4 tuần (30 ngày) cần bón phân có hàm lượng kali cao theo tỷ lệ N:P:K (2:1:2) với liều lượng 200g N – 100g P2O5 – 200g K2O/cây

Lần 5 (trước thu hoạch 1 tháng): đối với giống DONA là 75-80 ngày và giống Ri 6 là 70-75 ngày sau khi xả nhụy thì bón 0,5 kg phân K2SO4 để tăng chất lượng quả.

Khi bón hãy rải hoặc xới nhẹ quanh gốc theo hình chiếu tán cây để bón phân và tưới nước.

>>>Xem thêm: Phòng Và Đặc Trị Bệnh Hại Trên Cây Sầu Riêng

6. Kỹ thuật tưới nước

Giai đoạn cây con tưới nước để giảm tỷ lệ cây chết, giúp cây khỏe, nhanh cho quả.

Giai đoạn cây ra hoa cần tưới nước cách ngày giúp hoa phát triển tốt hạt phấn mạnh khỏe. Cần giảm khoảng 2/3 lượng nước ở mỗi lần tưới (chu kỳ tưới không thay đổi) vào 1 tuần trước khi hoa nở giúp hạt phấn khỏe có khả năng thụ phấn, đậu quả tốt.

Sau khi đậu quả tiến hành tưới tăng dần lượng nước đến mức bình thường trở lại, giúp quả phát triển khỏe, chất lượng cao.

Tủ gốc giữ ẩm: cây sầu riêng cần sử dụng rơm hoặc cỏ khô phủ kín mô đất 1 lớp dày 10-20cm, cách gốc 10-50cm tùy theo cây lớn hay nhỏ. Gốc sầu riêng khô ráo sẽ làm giảm cơ hội cho mầm bệnh tấn công vào gốc.

Trồng xen: trong những năm đầu khi cây sầu riêng chưa cho quả, nên trồng một số cây ngắn ngày hoặc cây ăn quả sinh trưởng, phát triển nhanh (như chuối, ổi…) làm cây trồng xen trên vườn sầu riêng.

7. Tỉa cành, tạo tán

Tạo tán

Thực hiện ngay từ năm thứ nhất. Tỉa bỏ các chồi mọc từ gốc ghép, tỉa các cành mọc thấp, mọc đứng. Tỉa cành sao cho chỉ để lại một thân mọc thẳng đứng với cách cành mọc ngang (70-90 độ) đều về các hướng. Khi cây còn nhỏ, để khoảng cách giữa các cành cấp 1 từ 8-10cm, cây lớn nên để > 30cm. Cành đầu tiên kể từ mặt đất phải cao hơn 70cm.

Tỉa cành

Sau thu hoạch, tỉa các cành mọc vượt, cành mọc yếu, cành bị sâu bệnh gây hại nặng, cành kiệt sức vì đã mang nhiều quả, cành mọc xen, mọc dày trong tán, cành đan giữa hai cây.

Định kỳ hai tháng một lần, tỉa các cành hay cụm cành mọc từ thân, cành chính, cành mọc vượt, cành mọc bên trong tán. hoặc nơi không mong muốn.

8. Xử lý ra hoa

Điều kiện để cây sầu riêng ra hoa và phát triển hoa là cây thật khoẻ mạnh và cân đối dinh dưỡng, có giai đoạn khô hạn liên tục từ 7-14 ngày, ẩm độ 50-60%. Bởi vậy, các bước cơ bản để xử lý ra hoa sầu riêng cần đảm bảo thực hiện các bước tạo đợt chồi mới – tạo mầm hoa – giai đoạn ra hoa một đúng chuẩn.

9. Các chăm sóc khác

Tỉa hoa, tỉa quả

– Tỉa hoa: Cây sầu riêng thường ra nhiều đợt hoa, chỉ nên giữ lại và tỉa thưa hoa của 1 đợt, tỉa bỏ hoa của các đợt khác.

– Tỉa quả: Công việc tỉa quả có thể được chia làm 3 lần chính như sau:

+ Lần 1: tỉa quả vào tuần thứ 2 hoặc 3 sau hoa nở, lần này nên cắt tỉa các loại quả đậu dày đặc trên chùm, quả bị méo mó, quả bị sâu, bệnh.

+ Lần 2: tỉa quả vào tuần thứ 8 sau khi hoa nở, cần tỉa những quả có dấu hiệu phát triển không bình thường để có thể điều chỉnh lại sự cân bằng dinh dưỡng giữa nơi cung cấp dinh dưỡng (lá) và nơi tiêu thụ dinh dưỡng (quả) để giúp quá trình phát triển, quá trình tạo thịt quả được thuận lợi.

+ Lần 3: tỉa quả vào tuần thứ 10 sau khi hoa nở, lần này chỉ cắt tỉa những quả có hình dạng không đặc trưng của giống.

Khắc phục hiện tượng sượng cơm

Một số giải pháp khắc phục như sau:

  • Kích thích ra hoa sớm, tập trung, đồng loạt.
  • Vườn cây thoát nước tốt, tránh ngập úng. Tránh thu hoạch quả giai đoạn có mưa nhiều.
  • Hạn chế sự ra đọt non trong giai đoạn phát triển quả bằng cách phun MKP (0-52-34), 50-100 g/10 lít nước (hoặc KNO3 liều lượng 150 g/10 lít nước), 7-10 ngày/lần, giai đoạn từ 3-12 tuần sau khi đậu quả.
  • Hạn chế sử dụng phân chứa Clo, phun phân bón lá có chứa Bo giai đoạn 15-20 ngày sau khi đậu quả để hạn chế hiện tượng cháy múi.
  • Có thể phun Ca(NO3)2 0,2% giai đoạn 2 tháng sau khi đậu quả. Phun MgSO4 0,2% giai đoạn 15 ngày sau khi phun Ca(NO3)2. Phun KNO3 1% giai đoạn 01 tháng trước khi thu hoạch.

10. Thu hoạch và xử lý sau thu hoạch

Một số quy định thu hoạch và xử lý sau thu hoạch sản xuất theo VietGAP:

+ Thu hoạch sản phẩm phải đảm bảo thời gian cách ly đối với thuốc BVTV

+ Phải có biện pháp kiểm soát, tránh sự xâm nhập của động vật vào khu vực sản xuất trong giai đoạn chuẩn bị thu hoạch và thời điểm thu hoạch, nhà sơ chế và bảo quản sản phẩm.

+ Nơi bảo quản sản phẩm phải sạch sẽ, ít có nguy cơ gây ô nhiễm sản phẩm. Để tránh nguy cơ nhiễm chéo các sản phẩm vừa mới thu hoạch không được đặt gần các sản phẩm đã sơ chế và đóng gói. Sau khi đóng gói các sản phẩm cần được đánh dấu đầy đủ thông tin để đảm bảo yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi có sự cố xảy ra.

+ Có hướng dẫn nhân công về vệ sinh cá nhân, về quy trình thu hoạch quả. Không sử dụng trẻ em và phụ nữ mang thai thu hoạch quả.

+ Khi thu hoạch không để sản phẩm tiếp xúc với nước sông (mương) và để trên mặt đất (phải trải bạt) sẽ làm quả bị bầm dập, nhiễm VSV trong đất, không chất quả thành đóng lớn, tránh tổn thương quả.

Thu hoạch quả:

+ Thời gian từ khi nở hoa đến thu hoạch của sầu riêng từ 95-120 ngày, tùy thuộc vào giống, độ tuổi của cây, tình trạng dinh dưỡng, nên thu hoạch trước khi quả rụng 5-7 ngày tùy theo thị trường cụ thể như sau: giống sầu riêng Ri6 thu hoach 95-100 ngày sau nở hoa; giống sầu riêng Monthong thu hoạch 120 ngày sau nở hoa; giống sầu riêng Cơm vàng sữa hạt lép thu hoạch 105-110 ngày sau nở hoa.

+ Nên thu hoạch vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát và nhẹ tay, không nên thu hoạch sau cơn mưa hoặc có sương mù nhiều vì dễ bị thối khi tồn trữ. Dùng kéo chuyên dùng để cắt cả cuống quả sầu riêng, lau sạch cho vào giỏ hoặc sọt tre để nơi cao ráo thoáng mát.

+ Sau khi thu hái, tránh quả tiếp xúc với đất, tiếp xúc trực tiếp với mưa, nắng. Mang quả về nhà thu hoạch, phải có tấm lót ngăn cách với sàn nhà. Để nơi thoáng mát.

Bảo quản quả

Sử dụng nước sạch để rửa quả, hong khô trong mát. Khi trữ quả, phải có tấm lót ngăn cách với sàn nhà. Không đặt quả thành đống, tạo điều kiện thoáng mát. Tùy theo yêu cầu của thị trường mà chúng ta có thể phân ra nhiều loại khác nhau (theo kích cỡ). Chú ý trong cùng một lô hàng thì kích cỡ, màu sắc của các quả phải đồng đều nhau.

Chỉ xử lý thúc chín quả theo hướng dẫn của nhà chuyên môn, chủng loại, liều lượng và nồng độ hóa chất phải được sự cho phép của nhà tiêu thụ.

Trên đây là các kỹ thuật canh tác nhãn theo tiêu chuẩn VIETGAP, hy vọng những kiến thức này sẽ giúp ích cho bà con trong quá trình phát triển quy mô cây của mình.

Chúc bà con có một vụ mùa bội thu!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *