Cách Chăm Sóc Chanh Dây Giai Đoạn Dưỡng Trái

Quả chanh dây đem lại nhiều giá trị cho nhà nông từ dinh dưỡng tới kinh tế. Để có một vụ mùa bội thu, nhà vườn cần trải qua nhiều giai đoạn từ dưỡng bông đến chăm sóc trái và phòng trừ sâu bệnh hại. Trong bài viết này Kinh Bắc sẽ hướng dẫn bà con chăm sóc và xử lý những hiện tượng thường gặp ở giai đoạn dưỡng trái chanh dây từ lúc đậu trái đến lúc thu hoạch.

Sau khi dưỡng bông khỏe, tỷ lệ đậu trái cao sẽ chuyển sang thời kỳ dưỡng trái chanh dây. Thời kỳ này có thể chia làm hai giai đoạn gồm: đậu trái con và trái lớn.

1. Dưỡng trái chanh dây ở giai đoạn đậu trái con

Ở thời điểm hoa thụ tinh hình thành trái con, bà con sẽ thường gặp phải một số hiện tượng là: hoa đực, rụng trái con, quả nhăn nheo,..

1.1 Hiện tượng hoa đực ở giai đoạn chanh dây đậu trái con

Sau khi bông đã đậu, trái con hình thành trong bông nhưng quả không phát triển mà héo vàng dần đi khiên bà con thường nhầm tưởng là hoa không đậu được trái và thường gọi là hiện tượng hoa đực.

Lý giải cho hiện tượng trên là do ngay từ giai đoạn bông vườn đã bị bọ trĩ tấn công. Bọ trĩ tấn công khiến quả non đậu nhưng không lớn được, sau đó quả khô và rụng.

1.2 Hiện tượng rụng trái ở giai đoạn chanh dây đậu trái con

Với đặc điểm có nhiều lứa trái và số lượng trái trên một cây lớn, nên ở giai đoạn mới đậu trái, bà con cần bổ sung cho cây lượng lớn dinh dưỡng để dưỡng trái chanh dây phát triển. Ở thời điểm này nếu cây chanh dây bị thiếu hụt dinh dưỡng đặc biệt là Canxi, trái non rất dễ bị rụng.

Bởi Canxi đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cấu trúc của thành tế bào. Khi thiếu hụt Ca, quá trình tổng hợp các pectat canxi bị giảm, làm các tế bào kém liên kết hình thành tầng rời gây rụng trái non.

Một nguyên nhân nữa dẫn đến sự rụng trái bắt nguồn từ quá trình thụ tinh không đầy đủ. Do ở thời điểm dưỡng bông chanh dây, bà con bổ sung thiếu Boron làm cho hạt phấn kém sức sống, dẫn tới khả năng nảy mầm hạt phấn giảm. Những trái đậu từ bông thụ tinh kém sẽ bị rỗng ruột, méo, dị dạng, dễ gây rụng.

1.3 Hướng dẫn xử lý các hiện tượng để dưỡng trái chanh dây ở giai đoạn đậu trái con

Đối với những hiện tượng thường gặp ở giai đoạn đậu trái con, bà con cần có biện pháp quản lý sâu hại định kỳ để dưỡng trái chanh dây hiệu quả. Để quản lý tác nhân bọ trĩ, khuyến nghị nhà vườn phun xử lý kịp thời.

Khi dưỡng trái chanh dây ở giai đoạn đậu trái con, khuyến nghị bà con phun định kỳ cung cấp nguồn dinh dưỡng đa, trung và vi lượng lớn cho cây chanh dây thúc trái non phát triển, lớn nhanh và khắc phục tình trạng rụng trái. Cung cấp hàm lượng Ca và Bo giúp ngăn chặn hình thành tầng rời và kiểm soát rụng trái con.

Bên cạnh đó, ở giai đoạn này bà con cần kết hợp phân bón gốc 3 số khoảng 200gr/ gốc với tần suất bón 2 tuần/ lần.

2. Dưỡng trái chanh dây ở giai đoạn trái lớn

Dưỡng trái chanh dây ở giai đoạn trái lớn đòi hỏi dinh dưỡng Kali tương đối cao hơn các nguyên tố khác. Kali đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển đường và tinh bột từ lá đến cơ quan dự trữ là quả. Nếu thiếu hụt Kali trong giai đoạn này sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng quả.

Nhu cầu Kali lớn nhưng bà con cũng cần bổ sung cân đối với các nguyên tố đa trung vi lượng khác để bổ trợ nhau và tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng của rễ, giúp hỗ trợ quá trình nuôi quả.

Để làm tốt nhiệm vụ này khuyến nghị bà con dưỡng trái chanh dây như sau:

– Khi trái lớn khoảng 40 ngày, bà con phun bổ sung cung cấp cho cây hàm lượng Kali cùng đầy đủ các nguyên tố dinh dưỡng cần thiết giúp trái lớn đều, nặng kí và khắc phục hiện tượng nhăn nheo, ít dịch.

– Bên cạnh đó, bà con kết hợp phân bón gốc có hàm lượng Kali cao 15-5-25,… khoảng 200gr/ gốc với tần suất bón là 2 tuần/ lần.

Khi dưỡng trái chanh dây ở giai đoạn lớn trái, bà con sẽ thường gặp một số hiện tượng là: nhăn nheo, ít dịch, rụng trái,…

>>>Xem thêm: Kinh Nghiệm Kích Thích Ra Hoa Và Hạn Chế Rụng Quả Non Chanh Dây (Chanh Leo)

2.1 Hiện tượng trái chanh dây nhăn nheo, ít dịch ở giai đoạn trái lớn

Chanh dây vốn là cây trồng cho năng suất ổn định nhờ mẫu mã đẹp. Tuy nhiên, ở giai đoạn lớn trái thường xuất hiện hiện tượng trái chanh dây bị nhăn nheo, rụng nhiều, vỏ trái bị mềm và ít dịch. Hiện tượng này bắt nguồn từ 3 nguyên nhân sau:

– Do ruồi vàng gây hại

Ruồi cái đẻ trứng vào chỗ tiếp giáp giữa vỏ và thịt trái chanh dây. Sau đó, dòi non nở ra đục ăn thịt trái. Tuổi càng lớn dòi càng đục sâu vào phía trong trái làm trái bị thối và hư, mép của miệng lỗ chọc hơi nhô cao, tiếp đến là phần vỏ chung quanh lỗ bị thúi. Nếu ruồi gây hại trên trái non sẽ làm trái nhăn nheo, biến dạng và rụng sớm.

– Do thiếu nước

Trường hợp cây chanh dây bị thiếu nước, không đủ ẩm sẽ gây ra hiện tượng trái co rúm, nhăn nheo, toàn cây bị héo hay xào lá. Cây thiếu nước trong thời gian dài sẽ khiến trái mềm và ít dịch. Thiếu nước trầm trọng sẽ khiến cây bị chết. Do đó, bà con cần bổ sung lượng nước cần thiết cho cây.

– Thiếu dinh dưỡng

Kali là nguyên tố quan trọng khi cây thiếu chất dinh dưỡng dẫn đến trái bị các hiện tượng mềm vỏ, nhăn nheo, bên trong xốp ít dịch, nhẹ kí. Trong trường hợp này, bà con nên đặc biệt quan tâm đến chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho cây. Biện pháp xử lý là phun qua lá định kì cặp đôi Thịnh Vượng 15 ngày/lần.

2.2 Hiện tượng rụng trái chanh dây ở giai đoạn trái lớn

Chanh dây ở giai đoạn trái lớn có hai bệnh tấn công phổ biến gây ảnh hưởng đến sự phát triển quả và năng suất vụ mùa là: đốm mắt cua và bã trầu chanh dây.

a. Bệnh đốm mắt cua chanh dây

Bệnh đốm mắt cua ở chanh dây do nấm Alternaria alternata và Alternaria passiflorae gây ra.

Bệnh có triệu chứng là:

– Trên lá: Ban đầu là các đốm nâu nhỏ sũng nước. Sau lan rộng lên dọc theo gân lá. Tâm vết bệnh bị khô và có màu sáng rực.

– Trên trái: Xuất hiện những đốm màu nâu nhạt và sũng nước hình tròn. Sau đó liên kết với nhau thành một mảng lớn.

– Đốm do nấm Alternaria passiflorae bị trũng và có màu nâu đỏ, đường kính lên tới 10mm, thậm chí 30mm. Trái bị nhăn nheo và rụng.

– Đốm do nấm Alternaria alternata thì tạo thành mảng màu xám hay xanh sẫm có rìa bóng bẩy, trái không bị co rúm.

b. Bệnh bã trầu chanh dây

Bệnh bã trầu chanh dây do vi khuẩn Pseudomonas syringae gây ra.

Bệnh có biểu hiện là:

– Trên lá: Vết bệnh có màu nâu bao quanh bởi quầng sáng màu vàng nhạt, bệnh nặng sẽ dẫn đến rụng lá. Trên thân còn non, dấu hiệu đầu tiên của sự xâm nhiễm là những vết lõm màu xanh đen, mọng nước. Sau sẽ phát triển thành màu nâu sáng, có viền rõ ràng với phần không bị bệnh.

– Trên quả:

+ Bệnh xuất hiện các vết loang từ phía đuôi trái, sau đó loang nhanh lên phần cuống trái.

+ Lúc mới nhiễm bệnh trái, thường có màu xanh tối sũng nước. Vài ngày sau khi bệnh phát triển, vỏ trái thường chuyển sang màu nâu nhạt.

+ Khi bệnh phát triển mạnh, trái bị thối, đôi khi lõm vào trong. Bệnh nặng khiến cho trái rụng hàng loạt.

Giai đoạn dưỡng trái chanh dây đến lúc thu hoạch rất quan trọng vì ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất thu hoạch. Mong rằng những chia sẻ trên sẽ giúp bà con quản lý tốt những hiện tượng ở từng giai đoạn để dưỡng trái tốt.

Chúc bà con thành công!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *