Cháy lá sầu riêng là một tình trạng nông dân trồng sầu riêng thường xuyên gặp phải trong quá trình trồng cây, đặc biệt là giai đoạn làm bông, nuôi trái. Cháy lá gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ của cây và khả năng cây chống lại các bệnh hại, côn trùng chích hút. Bởi vì chúng ta có thể hiểu đơn giản rằng, lá cây cũng giống như chiếc phổi của con người, khi lá bị tổn thương, quá trình quang hợp sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, kéo theo hàng loạt tác động xấu lên khả năng trao đổi chất dinh dưỡng, nước của cây trồng.
Đặc biệt, đối với cây sầu riêng, cháy lá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng, sản lượng sầu riêng thu hoạch trong mùa vì bộ lá sầu riêng đóng vai trò rất quan trọng trong giai đoạn cây sinh sản, làm bông, nuôi trái. Hôm nay Kinh Bắc sẽ giải đáp cho bà con tại sao lại có hiện tượng cháy lá sầu riêng này.
I. Biểu hiện triệu chứng cháy lá sầu riêng
Tình trạng cháy lá sầu riêng có thể diễn ra trên cả lá già lẫn lá non.
Ban đầu, vết cháy chỉ là những đốm nhỏ, sũng nước trên lá, sau đó những vết này sẽ kết lại thành mảng với hình dạng bất định dưới dạng sũng nước hoặc phỏng nước sôi trên lá.
Sau đó vết bệnh này khô dần, chuyển sang màu nâu và lá bị quăn lại.
II. Nguyên nhân cháy lá sầu riêng
Đối với bà con nông dân trồng cây ăn trái, nhất là sầu riêng, tình trạng cháy lá sầu riêng phổ biến sau khi làm bông có những nguyên nhân lớn sau:
1. Trong quá trình làm bông, sử dụng Paclobutrazol làm ảnh hưởng đến sinh lý cây
Về cơ bản, Paclobutrazol là một hợp chất có tính lưu dẫn, nó có khả năng tồn lưu từ 1-3 năm. Việc sử dụng Paclobutrazol ở liều lượng cao chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng cây bị rối loạn sinh lý, gây ra hàng loạt các bệnh hại trên cây.
Paclobutrazol là một hợp chất dùng để ức chế Gibberellin, gây ức chế sự phát triển một số bộ phận của cây trồng. Vì tính chất lưu dẫn, nên khi phun Paclobutrazol lên cây, các bộ phận trên cây đều bị ức chế, đặc biệt là phần cơi đọt và rễ. Khi cơi đọt bị ức chế, lá bị đứng lại, nếu cây không đủ khoẻ mạnh để nuôi dưỡng trái thì cây buộc phải rút nhựa sống từ lá qua trái để tiếp tục nuôi dưỡng trái.
Đây chính là nguyên nhân khi sử dụng Paclobutrazol để ức chế làm bông nuôi trái sẽ làm cháy lá sầu riêng.
Ngoài ra, Paclobutrazol có thể tồn lưu trong đất và tồn lưu trong các bộ phận của cây, theo thời gian sẽ gây ra rối loạn sinh lý cây trồng và làm đất bị chai cứng, nén dẽ.
2. Cây đang nuôi cơi, hoặc đang nuôi trái bị cháy lá
Giai đoạn đang nuôi cơi hoặc đang nuôi trái là khoảng thời gian nhạy cảm nhất khiến cây sầu riêng dễ bị cháy lá. Ngoài lý do lạm dụng Paclobutrazol thì sương muối và nấm bệnh cũng là một nguyên nhân khác khiến cây sầu riêng bị cháy lá trong giai đoạn sinh sản này.
Đối với hiện tượng sương muối, nấm bệnh trên lá, nguyên nhân sâu xa do lá mỏng dễ bị nấm bệnh tấn công.
Sau những cơn mưa đầu mùa, câu sầu riêng thường bị cháy lá, tác nhân gây ra bệnh hại trong trường hợp này chính là nấm Rhizoctonia solani tấn công lên cây vào thời điểm này.
>>>Xem thêm : Lưu Ý Khi Chăm Sóc Dàn Lá Sầu Riêng Giai Đoạn Xiết Nước
3. Thiếu nước ngay trong thời gian nuôi bông, nuôi trái (cháy sinh lý)
Một nguyên nhân cháy lá khác, trong thời gian nuôi bông, nuôi trái mà cây riêng thường gặp đó là do thiếu nước, tưới nước không đầy đủ khiến cây bị cháy lá dạng sinh lý.
Theo nguyên tắc khi trong cây không đủ nước để cung cấp cho bông và trái thì cây buộc phải rút nước trong mạch từ lá để nuôi bông, trái.
4. Nhiễm mặn
Hạn mặn, xâm nhập mặn là thiên tai gây nhiều hậu quả nghiêm trọng và ảnh hưởng rất lớn đến nông nghiệp, đặc biệt là vườn cây ăn trái và trong đó thiệt hại về kinh tế nặng nề nhất phải kể đến cây sầu riêng
Khi cây sầu riêng bị nhiễm mặn, rễ cây sẽ không thể hấp thụ nước và dinh dưỡng để nuôi dưỡng cây trồng, từ đó khiến cây bị rối loạn sinh lý.
Trong trường hợp cây sầu riêng bị nhiễm mặn vượt ngoài khả năng chịu đựng thì cây sẽ bị ngộ độc và có những hiện tượng như héo, cháy lá và nặng nhất là chết dần.
Nếu cây có sức yếu thì dễ dàng nhiễm mặn và nhiễm mặn càng trầm trọng hơn các cây khoẻ.
5. Đất bị thoái hóa mạnh.
pH đất chua, đất tồn dư nhiều thuốc bảo vệ thực vật, Paclobutrazol,…
Đất chua, chất bị thoái hoá mạnh khiến pH đất thấp hoặc những nơi đất bị tồn dư quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật, Paclobutrazol cũng là một trong những nguyên nhân khiến cây sầu riêng bị cháy lá.

6. Do rầy xanh
Trong một vườn tùy vào độ cao, hướng ánh sáng thì lá ở các cây sẽ không đều nhau về độ già của cơi lá, có cây cơi lá đã già nhưng cũng có các cây cơi lá còn non mặc dù tỷ lệ thấp nhưng cũng là nơi phát sinh nguồn gây hại.
Do đó có rất nhiều nhà vườn trong giai đoạn này nhầm tưởng rằng trong vườn bộ lá hầu như đã già vì giai đoạn làm bông bắt buộc bộ lá phải già nên ít chú trọng đến công tác phòng rầy xanh. Một số khác thì chủ quan cứ để rầy xanh hoạt động xem như là một biện pháp chặn đọt cho cây.
Lá non bị rầy chích hút ban đầu xuất hiện những chấm nhỏ màu vàng, sau đó mép lá bị cháy xoăn lại, khô dần và rụng.
Rầy xanh tấn công từ khi nhú mũi giáo đến khi lá đã già thì rầy không gây hại mạnh nữa. Do đó bà con cần phun phòng trừ khi cây xuất hiện mũi giáo đến khi lá cuối cùng trong cơi đọt mở ra và chuyển thành lá lụa. Đặc biệt, không nên có suy nghĩ chặn đọt bằng rầy xanh vì rầy xanh có mặt hầu như ở các cây trong vườn và công tác phục hồi – phòng trừ sau này rất khó.
7. Do nấm
Hai tác nhân nấm gây cháy lá cho sầu riêng phải kể đến là: nấm Rhizoctonia solani và Nấm Colletotrichum gloeosporioides.
Nấm Rhizoctonia solani – gây bệnh cháy lá, phát sinh trên cả lá già và lá non. Vết bệnh ban đầu sẽ như vết bỏng nước trên phiến lá, sau đó lan rộng dần và chuyển màu nâu, rồi cháy khô. Vết bệnh cũng có thể xuất phát từ chóp lá và rìa lá (mép lá), các sợi nấm sẽ lan dần ra các lá bên cạnh.
Nấm Colletotrichum gloeosporioides là chủng nấm gây bệnh thán thư trên sầu riêng, chúng tấn công cả trên lá, thân và rễ của cây.
>>>Xem thêm: Tác Động Của Đi Đọt Đến Trái Sầu Riêng
8. Do sử dụng phân bón lá quá liều
Trong giai đoạn nuôi bông đặc biệt là gần giai đoạn xổ nhụy sẽ có rất nhiều nhà vườn gặp phải tình trạng cây đi đọt hoặc cơi lá chưa đủ lụa vì vậy biện pháp tối ưu lúc này là giảm lượng nước tưới cho cây (đây cũng là một phần nguyên nhân gây cháy lá) kết hợp sử dụng các loại phân bón lá có hàm lượng Lân và Kali cao để phun nhằm giúp bộ lá nhanh già hoặc đốt đọt.
Nhiều nhà vườn nôn nóng chặn đọt nên đã sử dụng hàm lượng phân bón lá quá đậm dẫn đến bộ lá già của cây bị cháy (do Lân và Kali có tính nóng thường được sử dụng để nâng cao khả năng chống rét vào mùa đông).
9. Do Thiếu Kali
Khi cây không được cung cấp đủ Kali, Kali trong lá già sẽ được huy động về lá non để nuôi dưỡng, khi đó lá già trên cây sẽ xuất hiện các vết cháy. Để nhận biết tình trạng này bà con cần phát hiện từ sớm, nếu không cả lá già và lá non sẽ đều bị cháy. Lúc đó sẽ rất khó phân biệt. Vớt cháy lá do thiếu kali thường rất rõ ràng, lá bị cháy thường là lá già trước, cháy từ chóp lá vào, vùng bị cháy ngăn cách rõ ràng với vùng không bị cháy.
III. Biện pháp phòng trừ
Đầu tiên chúng ta nên phát hiện bệnh từ sớm đối với bệnh thán thư và thiếu hụt kali, từ đó phun phòng trừ nấm bệnh kịp thời và bổ sung kali kịp lúc. Vệ sinh vườn sạch sẽ giai đoạn đầu mùa mưa và sau khi thu hoạch. Các hoạt chất phòng trừ thán thư bà con có thể tham khảo như: Mancozeb Xanh, BKill, …
Đối với lá sầu riêng bị cháy do thiếu ẩm độ, nắng hạn, … bà con có thể sử dụng biện pháp tưới phun sương giúp giữ ẩm đồng thời giảm nhiệt độ cho cây, từ đó giúp giảm thiểu tình trạng cháy lá. Việc phòng bệnh luôn là bệnh pháp hiệu quả nhất, bà con cần theo dõi tình hình thời tiết cũng như vườn sầu riêng của mình liên tục để đưa ra biện pháp canh tác kịp thời và hiệu quả.
Chúc bà con có những vụ mùa bội thu!