Sầu riêng bị méo qua một bên, cong queo, hoặc dài ngoằn,… là điều không một chủ vườn nào mong muốn. Những quả như vậy sẽ chuyển sang hàng dạt. hàng kém chất lượng hoặc là 2 nhập 1. Vậy tại sao lại có hiện tượng này và làm sao để trái tròn đều? Cùng Kinh Bắc đi tìm câu trả lời trong bài viết này nhé!
Cùng trở lại cây sầu riêng lúc ra hoa xổ nhuỵ. Phân tích sơ bộ cho bà con thấy về cấu tạo của hoa sầu riêng để bà con nắm được rõ hơn một tí. Hoa sầu riêng gồm 2 phần chính là “Nhị đực” và “Nhuỵ cái”. Khi nhị đực tung phấn, phấn hoa sẽ đáp vào vòi nhuỵ, nảy mầm và kéo dài đến bầu nhuỵ, từ đó trái sầu riêng được thụ phấn.
Với một hạt phấn được nảy mầm và thụ thành công sẽ hình thành một hộc ở vị trí đó. Còn những phần không có hạt phấn nảy mầm chạm tới thì sẽ bị biến dạng, mất hộc. Chất tham gia vào quá trình nảy mầm của hạt phấn chính là Boron và Canxi; trong giai đoạn này nếu thiếu hụt hai chất này hạt phấn sẽ mất sức nảy mầm; từ đó khi xả nhuỵ cây không được thụ phấn đầy đủ từ đó các hoa không được thụ phấn sẽ rụng; số còn lại sẽ bị méo mó.
Hoa sầu riêng là loài hoa lưỡng tính, nhưng không thể tự thụ phấn bởi nhị đực và nhuỵ cái nở không cùng một lúc. Hiện tượng này còn gọi là “tự bất tương hợp”. Một vài thí nghiệm đã cho thấy, một vườn sầu riêng, nên xen một vài cây khác giống vào để tăng khả năng thụ phấn cho sầu riêng. Hoa sầu riêng nở vào ban đêm từ khoảng 18h – 22h. Vào giờ này sầu riêng thụ phấn chủ yếu nhờ vào dơi và các loại côn trùng ban đêm – đây là lực lượng thụ phấn quan trọng nhất cho sầu riêng.
>>>Xem thêm: Cách Chăm Sóc Vườn Sầu Riêng Từ A-Z
Mặc dù vậy, việc thụ phấn nhờ dơi và côn trùng hoạt động về đêm chỉ đảm bảo khoảng 60% hoa được thụ. Lúc này chúng ta nên thực hiện thụ phấn bổ sung bằng các cây chổi quét trần nhà,…
Với cách thức thực hiện rất đơn giản, bà con ra vườn lúc cây xổ nhuỵ từ 18h-22h, dùng cây chổi quét sơ vào phần hoa của cây sầu riêng này xong mình quét đều vào hoa cây khác, lưu ý khi quét được vài cây nên thay chổi khác vì mật của hoa làm ướt chổi. Lưu ý chỉ dùng các loại chổi quét bụi có lông chổi mềm, không dùng chổi có phần lông cứng vì dễ làm hư tổn bông, rất dễ bị phản tác dụng.
Ngoài ra giai đoạn xổ nhuỵ cần lưu ý các loại côn trùng chích hút đặc biệt là bọ trĩ, việc bọ trĩ chích hút hoa sầu riêng sẽ làm cho phần chích hút không thể thụ phấn cũng gây ra hiện tượng méo trái. Vì vậy việc quan sát và có biện pháp phòng trừ bọ trĩ cũng hết sức quan trọng.
Giai đoạn sau khi đã đậu trái, có một nguyên nhân nữa khiến trái bị méo, chính là cạnh tranh dinh dưỡng giữa đọt non và trái non. Nếu trong giai đoạn này sầu riêng đi cơi đọt thì sẽ gây ra hiện tượng giật hộc; do dinh dưỡng đã tập trung vào phần lá non hay chính xác là ưu tiên sinh dưỡng sinh trưởng hơn là sinh sản. Đỉnh điểm có thể gây rụng trái hàng loạt.
Tóm lại trái méo có các nguyên nhân sau: thụ phấn không đều; bị bọ trĩ chích hút; bị cạnh tranh dinh dưỡng, thiếu các chất vi lượng Boron và Canxi,…
Chúc bà con có vụ mùa bội thu!