Nhận Biết Và Phòng Trừ Bệnh Thán Thư Trên Cây Bưởi

Bệnh thán thư là một loại bệnh rất phổ biến, do nấm gây nên, và không loại trừ bất kỳ cây rau củ quả nào, kể cả cây bưởi. Dù bệnh này không làm chết cây bưởi nhưng nếu chúng ta không ngăn chặn kịp thời, nó cũng gây ra thiệt hại đáng kể cho vườn bưởi của bà con nông dân.

Sau đây bà con hãy cùng xem xét cách xác định bệnh thán thư và cách điều trị nếu bệnh xảy ra trên vườn bưởi nhà mình. Tuy nhiên, quan trọng hơn hết là cách ngăn chặn bệnh bởi phòng ngừa luôn là tuyến phòng thủ tốt nhất mà bà con cần lưu tâm!

1. Nhận biết bệnh thán thư hại bưởi

Bệnh thán thư có thể gây hại trên nhiều bộ phận của cây bưởi như lá, lộc non, quả…

– Triệu chứng trên lá:

Quan sát bà con sẽ thấy những lá bị nhiễm bệnh thường bị vàng một nửa, xuất hiện một vài đốm màu nâu dọc theo gân lá hoặc ở giữa các gân lá.

Lúc đầu, bệnh thán thư thường xuất hiện trên lá dưới dạng các đốm nhỏ màu vàng hoặc nâu. Khi bệnh nặng, vết bệnh lớn dần, xung quanh có viền nâu đậm, giữa vết bệnh màu vàng nhạt, vết bệnh có nhiều vòng đồng tâm và trên bề mặt vết bệnh có những chấm đen nhỏ li ti, đó là các ổ nấm và làm cho vòng đồng tâm có màu đậm. Nhiều vết bệnh liên kết lại làm lá bị cháy thành từ mãng lớn, lá rụng sớm, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây

– Triệu chứng trên cành:

Ngoài lá thì cành non của cây bưởi cũng có thể bị ảnh hưởng. Loại nấm này có thể xâm nhập và giết chết đầu cành cây non. Nó cũng tấn công các lá non, phát triển các đốm nâu và các mảng. Nó cũng có thể gây rụng lá của cây.

– Triệu trứng trên trái:

Trên trái cây, bệnh thán thư tạo ra những đốm nhỏ, sẫm màu trên vỏ trái. Ban đầu là những dốm nhỏ, sau đó có thể lan rộng trên bề mặt trái. Nơi xuất hiện vết bệnh, vỏ bị khô, sần sùi, bệnh càng nặng vết bệnh càng lan rộng, đôi khi bị nứt ra ngay vết bệnh và có nhựa chảy ra trong điều kiện độ ẩm cao. Cuối cùng, quả sẽ bị thối và rụng.

2. Tác nhân và điều kiện ảnh hưởng đến bệnh thán thư trên cây bưởi

Bệnh thán thư là do nấm Colletotrichum gloeosporioides PenZ gây ra. Bệnh này lan truyền qua nước, mưa, gió. Khi một cây bị bệnh, mầm bệnh có thể lan truyền nhanh chóng từ cây này sang cây khác. Do vậy, khi phát hiện bệnh, bà con cần cách ly và ngăn chặn ngay khi bệnh mới bắt đầu.

Đây là loại bệnh phát sinh trong điều kiện ẩm thấp, độ ẩm cao do mưa kéo dài hoặc sương mù nhiều.

Thường thì vườn trồng với mật độ dày, thiếu ánh sáng dẫn đến độ ẩm cao chính là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh và phát triển.

Khi thời tiết nóng lên, các triệu chứng của bệnh sẽ giảm nhanh chóng. Khi thời tiết nóng thường xuyên, tiến trình phát triển của nấm sẽ chậm lại và sau đó dừng hẳn. Tuy nhiên, bệnh có thể phát sinh trở lại khi thời tiết mát mẻ trở lại.

3. Biện pháp phòng trừ bệnh thán thư hại bưởi

Bà con đã biết tác nhân gây bệnh và điều kiện để nấm bệnh phát triển trong vườn cây. Như vậy, để phòng trừ bệnh trên vườn bưởi nhà mình, bà con cần làm theo các bước sau:

– Trị bệnh thán thư hại bưởi:

Khi phát hiện vườn bưởi nhà mình bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều là trên cây bị nhiễm bệnh và rụng thì bà con nên dùng thuốc để kịp thời ngăn chặn bệnh lây lan.

Tuy nhiên, điều đầu tiên bà con cần làm là làm sạch vườn bằng cách thu dọn lá bị bệnh và thêu hủy. Sau đó, bà con nên dùng các loại thuốc có hoạt chất như Metalaxyl + Mancozeb chỉ cần phun 2 lần cách nhau 7 ngày bệnh thán thư sẽ được ngăn chặn.

Bà con cũng có thể cân nhắc sử dụng một biện pháp khác để trị bệnh thán thư khá hiệu quả với chi phí rất thấp so với việc sử dụng thuốc diệt nấm hóa học đó là phun hỗn hợp lưu huỳnh – vôi vào lá cây bưởi. Hỗn hợp này có thế ngăn ngừa hoặc làm chậm sự phát triển của bệnh nếu được áp dụng vào đúng thời điểm.

Ngoài ra, bà con có thể dùng thuốc diệt nấm sinh học thân thiện với môi trường như BKill, Mancozeb Xanh… Những loại thuốc này khá hiệu quả đối với hầu hết các chủng bệnh thán thư.

– Biện pháp phòng bệnh thán thư hại bưởi

Như đã nói, phòng bệnh hơn chữa bệnh, đối với các loại bệnh do nấm gây ra thì phòng ngừa luôn là tuyến phòng thủ tốt nhất. Để phòng ngừa bệnh thán thư trên cây bưởi, bà con cần tuân thủ các biện pháp sau đây:

  • Thứ nhất: Bón phân hợp lý:

+ Đây chính là biện pháp phòng bệnh thán thư cho bưởi hiệu quả nhất. Như bà con đã biết, mọi loại bệnh trên cây bưởi đều bắt nguồn từ đất, vì vậy đảm bảo sức khỏe của đất là điều đầu tiên bà con cần làm. Khi đất khỏe thì cây khỏe, khi cây khỏe thì cây có khả năng chống chọi bệnh tốt hơn.

+ Để đất khỏe thì bà con cần bón phân cân đối cho cây, ưu tiên sử dụng các loại phân chuồng, phân hữu cơ… Bên cạnh đó, bà con cần định kỳ bổ sung tricodemar hoặc các chế phẩm vi sinh vào đất, bởi vì vi sinh sẽ tiêu diệt và hạn chế các loại nấm có hại trong đất.

>>>Xem thêm: Những Điều Cần Lưu Ý Khi Chăm Sóc Bưởi Giai Đoạn Trái Non

  • Thứ 2: Cắt tỉa cây thông thoáng:

+ Bằng cách cắt tỉa cành, tạo tán cho cây bưởi sẽ giúp cây thông thoáng, hạn chế ẩm ướt. Như vậy sẽ hạn chế được bệnh thán thư cho cây.

+ Bà con cũng lưu ý khư trùng cho dụng cụ cắt tỉa khi chuyển từ cây này sang cây khác để ngăn ngừa mầm bệnh lây lan.

+ Sau khi cắt tỉa xong, bà con cần thu dọn vườn sạch sẽ, tiêu hủy các tàn dư trong vườn để hạn chế tối đa nấm bệnh.

+ Ngoài ra, khi tưới nước, bà con chỉ tưới nước cho rễ và tránh làm cho tán lá bị ướt để giảm nguy cơ nấm lan rộng.

  • Thứ 3: Phun thuốc diệt nấm định kỳ:

+ Khi lộc non bắt đầu nhú ra từ chồi được khoảng 1-2cm, bà con phun các loại thuốc diệt nấm và thuốc trừ sâu để phòng ngừa sâu vẽ bùa, côn trùng chích hút.

+ Các thuốc diệt nấm thường được sử dụng có thể là thuốc diệt nấm tự chế lưu huỳnh + vôi, thuốc vi sinh…việc này có thể ngăn ngừa nhiều loại nấm bệnh.

+ Bà con cũng cần định kỳ một số dòng trừ sâu sinh học như BKIll, Mancoxzeb Xanh. Bằng cách này, bà con sẽ kiếm soát được nhiều loại nấm gây hại cho bưởi như bệnh vàng lá thối rễ, xì mủ, thán thư…

Như vậy, Kinh Bắc vừa chia sẽ đến bà con nông dân cách nhận biết bệnh thán thư và một số biện pháp phòng trừ bệnh hiệu quả. Bên cạnh đó, để giảm côn trùng gây hại trong vườn và hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu, bà con cần lưu ý bảo vệ các loại côn trùng có ích trong vườn cây nhà mình nhé.

Chúc bà con có những vụ mùa bội thu!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *